“Gửi em ở cuối sông Hồng”: Cặp song sinh thơ và nhạc

09/06/2022 22:07

Tây Bắc - Những “vần thơ từ trong lửa” được nhà thơ Dương Soái sáng tác trong những năm tháng chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc năm 1980 khi giữ nguyên tựa đề bài thơ. Tác phẩm “Gửi em ở cuối sông Hồng” được xem là cặp song sinh thơ - nhạc hào hùng và lãng mạn.

Từ những vần thơ trong lửa

Dương Soái (SN 1950 quê Hà Nam) là phóng viên được cử lên mặt trận Lào Cai 2/1979 khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra. Ông tâm sự về hoàn cảnh ra đời bài thơ: "Đến mặt trận, tôi gặp các chiến sĩ. Có người trở về sau trận đánh, máu vẫn còn chảy ròng ròng ở vết thương. Người về trước, người về sau, nhưng trông thấy nhau là khóc vì "tưởng mày chết rồi!".

Khi biết tôi, các chiến sĩ nói: "Anh là nhà báo, anh phải nói với mọi người rằng: Còn chúng em, thì còn biên giới". Ngay sau đó, các chiến sĩ nhờ tôi gửi thư về gia đình. Có thư đã cho vào phong bì dán tem, có thư vừa viết mới kịp gấp làm 3, có người chỉ kịp xin tôi một tờ giấy ghi vội vài dòng nhắn cho người thân ở nhà biết họ vẫn đang bình yên hoặc đưa cho tôi địa chỉ, nhờ tôi đánh điện về nhà báo tin họ vẫn còn sống".

Trong khi chờ tàu, Dương Soái kiểm nhanh các lá thư cần gửi, các nơi đến của thư là: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định. Tất cả đều thuộc lưu vực sông Hồng. Một tứ thơ chợt nảy ra trong ông và sáng tác này được viết ngay tại ga Phố Lu (Lào Cai).

Trong bài, thi sĩ hóa thân vào người chiến sĩ ngoài mặt trận, gửi nhớ thương về "người ở nhà" (tên một tiểu thuyết của Nguyễn Địch Dũng). Với cảm xúc sôi nổi và tâm hồn lãng mạn, tác giả dùng thể thơ tự do, rất hợp với sự đa dạng của các cung bậc cảm xúc phóng khoáng. Mở đầu bài là lời tâm sự cùng em: "Anh ở Lào Cai/Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/Tháng Hai, mùa này con nước/Lắng phù sa in bóng đôi bờ". Hình ảnh sông Hồng hiện lên trong thơ thật hiền hòa, đẹp đẽ. Đây là sông Cái, sông Mẹ, con sông lớn nhất miền Bắc, mang bao phù sa, góp phần hình thành nền văn minh sông Hồng, một trong những nền văn minh quan trọng nhất của nước ta.

Người chiến sĩ hiện đang ở mặt trận Lào Cai, nơi chiến sự diễn ra căng thẳng, thời tiết giá rét khắc nghiệt "Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét" nhưng điều ấy có nề chi. Theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông, tình yêu nước ở người lính đã trở thành mệnh lệnh trái tim. Hành động cứu nước lúc này là thước đo phẩm giá con người: "Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc/Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt/Đạn lên nòng anh giữ ngọn nguồn sông". Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng đất biên cương phên giậu Tổ quốc, giữ gìn nguồn sông, chính là bảo vệ cửa ngõ của ngôi nhà đất Việt, bảo vệ nguồn sống cho con người cùng muôn vật trên quê hương.

Cùng với kể tội kẻ thù, bài thơ nói về những chiến công, sự kiên cường và mất mát hi sinh của những người con ưu tú ngã vào lòng đất mẹ. Sức mạnh, động lực nào khiến người chiến sĩ làm nên chiến công oanh liệt ấy? Đó chính là nguồn tình cảm được tiếp sức từ hậu phương, gia đình, người thân, nhất là từ "em": "Biết em năm ngóng, tháng chờ/Cứ chiều chiều ra sông gánh nước/Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt/Anh lại xuống sông Hồng cho thỏa nỗi em mong".

Nghệ thuật tiểu đối "năm ngóng tháng chờ" càng tỏ rõ sự đồng cảm, thấu hiểu nỗi niềm thương nhớ của người ở mặt trận với người hậu phương. "Em" ở đây có thể là vợ, có thể là người yêu, là người em gái nơi quê nhà - những cô gái dịu hiền, đảm đang việc nhà, việc xã hội để "anh" nơi tiền tuyến an lòng chiến đấu. Anh và em dù xa nhau nhưng cùng uống chung dòng nước sông Hồng. Sông Hồng được nhân hóa như một chứng nhân đồng thời làm nền để các nhân vật trữ tình "anh" - "em" bộc lộ nỗi niềm. Cả hai tiếp thêm tình yêu thương, sự quan tâm và sức mạnh cho nhau để cùng làm tốt công việc, nhiệm vụ của mình.

Đoạn kết bài thơ quả là những vần thơ thăng hoa vút cao trên đôi cánh lãng mạn: "Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng/Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ/Là niềm thương anh gửi về em đó/Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh". Cảm xúc thơ vừa lắng đọng, tha thiết vừa chan chứa niềm thương, nỗi nhớ.

Đến bài ca đi cùng năm tháng

Năm 1980, bài thơ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Nhạc sĩ đã không giữ nguyên một số câu chữ trong bài thơ của Dương Soái mà bổ sung thêm ý và lời để ca khúc được diễn song ca nam nữ nhưng vẫn giữ nguyên được linh hồn của bài thơ và thổi bùng vào trong đó sức sống mãnh liệt. Dương Soái rất biết ơn nhạc sĩ Thuận Yến đã chắp cánh cho ca khúc lan tỏa mạnh mẽ, chuyển đổi hai tiếng "Lào Cai" trong bài thơ ra chữ "biên cương", nhờ đó, ca từ mang một tầm khái quát sâu rộng hơn.

Năm 1999, đúng 20 năm sau khi "Gửi em ở cuối sông Hồng" ra đời, ca khúc đã được Bộ Tư lệnh Biên phòng trao giải thưởng Bài hát được các chiến sĩ bộ đội biên phòng bình chọn là hay nhất. Cùng với một số ca khúc lừng danh khác, nhạc phẩm sẽ sống mãi cùng các chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đã hơn bốn mươi năm qua đi kể từ khi bài thơ ra đời nhưng cảm xúc trong thi phẩm và nhạc phẩm vẫn luôn cuốn hút, trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Cảm ơn thi sĩ Dương Soái và nhạc sĩ tài hoa Thuận Yến đã tạo nên một cặp song sinh thơ và nhạc vừa hào hùng đầy sức mạnh chiến đấu vừa thăng hoa cảm xúc lãng mạn về một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của dân tộc.

Nguyễn Thị Thiện
Bạn đang đọc bài viết "“Gửi em ở cuối sông Hồng”: Cặp song sinh thơ và nhạc" tại chuyên mục Tin tức.