Từ chiến thắng lừng lẫy năm châu đến kỳ vọng một Điện Biên cất cánh

07/05/2022 10:19

Năm 2021, giữa lúc đại dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, những người đứng đầu tỉnh Điện Biên đã đưa ra quyết định tưởng chừng như bất khả thi. Đó là quyết tâm thực hiện Dự án mở rộng Sân bay Điện Biên vốn nhiều năm vẫn nằm trên giấy. Và cũng từ quyết tâm đó, cơ hội "cất cánh" cho vùng đất khó Điện Biên đã mở ra...

Nhân dịp Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bí thư tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng và Chủ tịch UBND tỉnh  Điện Biên Lê Thành Đô đã có những chia sẻ với Báo Lao Động về những đổi thay của vùng đất lịch sử.

Gỡ "nút thắt" sân bay

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, xuất thân từ lĩnh vực ngân hàng rồi sau đó làm Chủ tịch Quảng Ninh, việc được điều động lên cực tây để làm Bí thư Điện Biên vào tháng 10.2020 đối với ông Nguyễn Văn Thắng là "chuyến đi xa" để "làm việc khó".

Ông kể: "Ngay sau khi đặt chân lên Điện Biên. Tôi nhận thấy mấu chốt của vấn đề chính là hạ tầng giao thông. Sau gần 70 năm giải phóng, Điện Biên không thể nghèo mãi".

Theo ông Thắng, việc tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông chính là vấn đề cấp bách và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong đó, Sân bay Điện Biên nằm trong ưu tiên hàng đầu cần thay đổi.

Bí thư Điện Biên trao đổi với PV Báo Lao Động.
Bí thư tỉnh ủy Điện Biên trao đổi với PV Báo Lao Động.

Bí thư Điện Biên cho biết, trên thực tế từ nhiều năm trước, tỉnh đã kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ ưu tiên bổ sung danh mục dự án cải tạo, nâng cấp cảng hàng không Điện Biên với tổng vốn đầu tư trên 2 nghìn tỉ đồng từ ngân sách trung ương. 

Tuy nhiên, phương án này sau đó gặp khó vì thiếu vốn. Do vậy, Điện Biên đã chủ động đề xuất với Bộ GTVT thực hiện dự án theo hình thức kết hợp giữa 2 nguồn vốn. Trong đó ngân sách địa phương sẽ được sử dụng để giải phóng mặt bằng, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ đầu tư đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và hệ thống nhà ga…

Với quyết tâm cao độ, ngày 27.3.2021, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với tổng kinh phí 1.547 tỉ đồng; tiến độ thực hiện 34 tháng.

Mục tiêu của dự án xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên với công suất 500.000 hành khách/năm, bảo đảm khai thác máy bay Airbus A320, A321 và tương đương nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Mô hình dự án Cảng hàng không Điện Biên. Ảnh: ACV
Mô hình dự án Cảng hàng không Điện Biên. Ảnh: ACV

Khi hoàn thành dự án sân bay, Điện Biên sẽ có cơ hội mở thêm nhiều đường bay mới đến các vùng kinh tế trong cả nước và tiến tới mở thêm kết nối đến Luang Prabang (Lào), Côn Minh (Trung Quốc), Chiang Mai (Thái Lan) để phát triển thương mại và dịch vụ du lịch, từng bước thực hiện mục tiêu đưa Điện Biên trở thành trung tâm của khu vực Tây Bắc...

Thế nhưng, không cần phải chờ đến 34 tháng, ngay trong những ngày khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, một dấu mốc lịch sử đã làm nức lòng người dân TP Điện Biên Phủ nói riêng và nhân dân Điện Biên nói chung.

Trưa 19.8.2021, đúng ngày kỉ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, trên bầu trời Điện Biên lần đầu xuất hiện một chiếc máy bay cỡ lớn của hãng Bamboo Airways. Máy bay sau khi giảm tốc thì từ từ hạ xuống đường băng thuộc Sân bay Điện Biên, nằm giữa cánh đồng Mường Thanh xanh rờn sắc lúa mới.

Đây cũng chính là chuyến bay đầu tiên của hãng, mở đầu cho kế hoạch khai thác đường bay mới từ Hà Nội và TP.HCM đến sân bay Điện Biên bằng chủng loại máy bay Embraer A261.

 
 Máy bay cỡ lớn của hãng hàng không Bamboo Airways tại Sân bay Điện Biên.

Sở dĩ sự xuất hiện này gây chú ý bởi trước đây do đặc thù địa hình, chỉ có duy nhất loại máy bay cỡ nhỏ ATR-72 của Vasco (Vietnam Airlines) được phép hoạt động. 

Vì kích thước khiêm tốn nên những chuyến bay này bị phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Việc chậm chuyến, hủy chuyến... diễn ra với tần suất dày đặc khiến nhiều du khách mất niềm tin. Tuyến bay vì thế không được ưa chuộng, hành khách thưa thớt.

Nói về sự kiện này, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng nhớ lại: "Khi chúng tôi liên hệ với các hãng hàng không để trao đổi ý tưởng về khai thác máy bay cỡ lớn, ban đầu không bên nào đồng ý cả. Họ nói chờ sân bay nâng cấp xong.

Sau đó, Bamboo Airways nhận lời nhưng với điều kiện phải có tư vấn nước ngoài khảo sát phương án bay. Rồi họ cũng yêu cầu được hỗ trợ nếu chuyến bay này vắng khách, lỗ. Chúng tôi đồng ý hết.

Lúc đó dịch đang rất căng, tư vấn nước ngoài sang mình sẽ phải đi cách ly 21 ngày nên các bên chủ yếu làm việc online. Toàn từ chuyên ngành lại bất đồng ngôn ngữ nên việc trao đổi, trình bày đã khó lại càng thêm khó. Nhưng cuối cùng thì mọi vất vả cũng qua đi và kết quả chính là chuyến bay trưa 19.8.2021".

Máy bay Embraer xuất hiện trên cánh đồng Mường Thanh.
Máy bay Embraer xuất hiện trên cánh đồng Mường Thanh.

Cũng theo lời ông Nguyễn Văn Thắng, khi Bamboo đi vào khai thác thì giá vé lập tức hạ xuống, Vasco cũng buộc phải hạ theo – thấp ngang với giá vé ô tô giường nằm chất lượng cao.

Bamboo cũng chỉ lỗ vài chuyến đầu tiên. Khoảng 15 ngày sau thì bắt đầu đông khách và gần như là kín chỗ, bình quân khoảng 90% số ghế. Khi giá vé hạ xuống và lịch bay chuẩn giờ, không bị bỏ chuyến thì cả Vasco cũng hưởng lợi vì đông khách.

Chờ ngày cất cánh...

Cũng liên quan đến dự án Sân bay Điện Biên, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Thành Đô – Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, nhờ sự đồng thuận của nhân dân, việc giải phóng mặt bằng được coi là "thần tốc" khi kế hoạch 12 tháng mà chỉ thực hiện có 8 tháng.

Ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (người ở giữa) kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (người ở giữa) kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng.

Do vậy, đến ngày 22.1.2022, Lễ khởi công Dự án đầu tư Cảng hàng không Điện Biên đã diễn ra trước sự phấn khởi và ngỡ ngàng của người dân.

“Tổng diện tích là 219 hecta và khoảng 1.300 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng cùng với việc xây dựng 3 khu tái định cư nhưng chỉ trong vòng 1 năm tỉnh Điện Biên đã thực hiện xong”, ông Đô nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, song song việc tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, Điện Biên thời gian qua đặc biệt chú trọng công tác mời hợp tác đầu tư.

Hiện nay toàn bộ khu vực lòng chảo Điện Biên đều đã được các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước "để mắt". Nhiều cuộc trao đổi, hợp tác cũng đã diễn ra.

Khu tái định cư Sân bay Điện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương
Khu tái định cư Sân bay Điện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương

"Riêng trong năm nay đã có khoảng 30 dự án về du lịch đăng ký khảo sát, đầu tư. Chúng tôi đặt mục tiêu khi khánh thành đường băng mới thì cơ sở hạ tầng về du lịch phải cơ bản đáp ứng được yêu cầu… Sau đó mất thêm khoảng 2 năm để tiếp tục phát triển hoàn thiện", ông Đô chia sẻ.

Điện Biên sẽ đầu tư chiều sâu để phát huy giá trị Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ nhằm tiếp tục lan tỏa sâu rộng hơn nữa về ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ ra toàn thế giới. Đó cũng chính là thế mạnh và là sự khác biệt của Điện Biên mà không ở đâu có. Trong tương lai, chúng tôi sẽ lấy du lịch lịch sử làm trung tâm để thu hút du khách trong và ngoài nước...

Long Nguyễn - Văn Thành Chương