Làm cao tốc để gỡ nút thắt cho nông nghiệp
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Bí thư Điện Biên Nguyễn Văn Thắng chia sẻ nhiều trăn trở, là "sau gần 70 năm giải phóng Điện Biên nhưng tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao".
Theo Bí thư Điện Biên, muốn thoát nghèo nhanh và bền vững thì nhất định phải thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông và lâm nghiệp.
“Tuy nhiên, vấn đề giao thông đang là trở ngại rất lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vì chi phí vận chuyển nông sản, hàng hóa rất cao. Mà muốn thu hút đầu tư thì trước hết phải gỡ được nút thắt về giao thông. Do vậy, việc triển khai xây dựng đường cao tốc không những giải quyết được vấn đề này mà quan trọng là người dân sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc phát triển các dự án nông, lâm nghiệp” – ông Thắng nói.
Theo tính toán khi dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông Tây Bắc (Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên), rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền xuôi và Hà Nội đến Điện Biên từ 12 tiếng xuống còn 4,5-5 tiếng. Từ đó, tạo động lực để phát triển kinh tế đặc biệt là lĩnh vực nông sản, hàng hóa.
Làm cao tốc theo cách của Điện Biên
Theo quy hoạch, cao tốc Sơn La - Điện Biên phải sau năm 2030 mới được đầu tư. Tuy nhiên, theo Quyết định 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
Bí thư Điện Biên Nguyễn Văn Thắng cho biết, nếu sau năm 2030 mới được đầu tư thì có thể phải đến năm 2037 Điện Biên mới có đường cao tốc. Do vậy, để dự án xây dựng cao tốc sớm được triển khai, tỉnh Điện Biên đã xem xét thuê đơn vị tư vấn và quyết tâm tìm giải pháp triển khai càng sớm càng tốt.
Điện Biên đã thống nhất đề xuất phương án đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Điện Biên – Sơn La theo phương thức đối tác công tư (PPP) và loại hợp đồng BTL để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt chủ trương.
“Hình thức hợp đồng BTL là loại hợp đồng chưa từng được triển khai ở Việt Nam. Nếu phương án này được phê duyệt thì Điện Biên sẽ là tỉnh đầu tiên triển khai và đây là phương án phù hợp đối với các tỉnh nghèo” – Bí thư Điện Biên cho hay.
Theo đó, để thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BTL thì nguồn vốn sẽ được sử dụng từ ngân sách nhà nước (không quá 50%) cùng với vốn từ chủ sở hữu của các nhà đầu tư và vốn huy động từ các nguồn khác.
Theo ông Lê Thành Đô – Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Dự án xây dựng cao tốc Điện Biên - Sơn La đã được đưa vào danh mục kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025.
“Với chiến lược phát triển nhanh, vững chắc; hạ tầng đi trước, phát huy tiềm năng và tạo giá trị khác biệt thì việc đầu tư tuyến cao tốc TP. Sơn La - Điện Biên từ năm 2022 - 2025 là rất cần thiết để thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” – Chủ tịch Điện Biên nói.
Từng bước cụ thể hóa mục tiêu đưa Điện Biên thành trung tâm kinh tế khu vực
Được biết, hiện nay tỉnh Điện Biên đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án và xem xét giao cho UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án cao tốc Điện Biên – Sơn La trước năm 2030 và hoàn thiện các thủ tục.
Ông Trần Thanh Kiên – Giám đốc Sở GTVT Điện Biên cho biết: “Hiện tỉnh Điện Biên đang phấn đấu hoàn thành các thủ tục, đề xuất phương án để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 12.2022”. Theo Giám đốc Sở GTVT Điện Biên, Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1) dự kiến sẽ triển khai sẽ có chiều dài khoảng 45km.
Theo đó, tuyến đường tốc độ cao khi được đưa vào thực hiện sẽ góp phần phát huy hiệu quả của Sân bay Điện Biên Phủ, thu hút du lịch, tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động tổng vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Cùng với việc đầu tư xây dựng mở rộng Sân bay Điện Biên, dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên nếu được triển khai sớm sẽ góp phần rất quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Điện Biên trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Tây Bắc.