Người dân Lào Cai bày tỏ bức xúc về nhiều dự án giao thông

17/02/2024 01:13

Kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cử tri tỉnh Lào Cai bày tỏ một loạt bức xức về các công trình, dự án trong lĩnh vực giao thông.

giao-thong-laocai-1708107106.jpg
Tình trạng chăn thả gia súc tại một số tuyến đường ở Lào Cai. Ảnh minh họa: Văn Thành Chương

Theo phản ánh của cử tri Lào Cai, hiện nay các công trình điện với mục đích cấp điện, cải tạo, chống quá tải hoặc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho người dân nằm dọc các Quốc lộ 4E, Quốc lộ 70, Quốc lộ 4D, Quốc lộ 279 và kéo điện trên cầu, đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo quy định phải xin thỏa thuận sau đó xin cấp phép thi công tại Cục Đường bộ Việt Nam.

Thời gian để hoàn thành các thủ tục cấp phép thường kéo dài nhiều tháng dẫn đến tiến độ thi công không đảm bảo gây bức xúc trong nhân dân.

Ngoài ra, các công trình vay vốn nước ngoài cũng bị chậm tiến độ, không kịp thi công và giải ngân theo hiệp định vay vốn của Chính phủ.

Cử tri đề nghị Bộ GTVT xem xét phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện giải quyết các thủ tục thỏa thuận giao thông và cấp phép thi công các công trình điện dọc theo quốc lộ (thực hiện như đường tỉnh) nhằm đẩy nhanh được tiến độ, kịp thời cấp điện cho nhân dân.

Trả lời vấn đề này ngày 16.2, Bộ GTVT cho biết, các công trình điện với mục đích cấp điện, cải tạo, chống quá tải hoặc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho người dân nằm dọc các đường quốc lộ và xây dựng trên các quốc lộ thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai là công trình thiết yếu, được phép bố trí trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, các công trình này phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng theo quy định pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Để đẩy mạnh phân cấp và đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31.12.2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23.9.2015 về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24.2.2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT quy định: Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của các tuyến đường bộ được giao quản lý, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Hiện nay tổng chiều dài quốc lộ qua địa bàn tỉnh Lào Cai là 658,5km (trong đó: Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý 83km đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Khu QLĐB I quản lý 31,5km đường cao tốc Lào Cai - Kim Thành và 89km QL.70; Sở GTVT Lào Cai quản lý tổng số 455km / 04 tuyến QL: 4, 4D, 4E, 279).

"Như vậy chiều dài quốc lộ phân cấp cho Sở GTVT Lào Cai quản lý chiếm phần lớn (khoảng 70%) trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Do đó thẩm quyền chấp thuận và cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được phân cấp chủ yếu cho Sở GTVT Lào Cai thực hiện theo quy định", Bộ GTVT khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết thêm, thực hiện chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10.1.2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, khai thác hiệu quả và giải phóng các nguồn lực phát triển của địa phương.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, đẩy mạnh hơn nữa các nội dung có thể phân cấp, phân quyền trong quản lý kết cấu hạ tầng hệ thống quốc lộ cho địa phương đảm bảo nguyên tắc quản lý thống nhất, tập trung, phát huy được tiềm lực, lợi thế để đạt hiệu quả cao hơn.

Xuyên Đông