Lào Cai: Hành trình sập bẫy "việc nhẹ lương cao" xuyên biên giới qua lời kể của các lao động dân tộc thiểu số

13/07/2022 23:14

Lào Cai - Không nghề, không bằng cấp... nhưng lao động ở vùng cao được mời chào mức lương lên tới hàng chục triệu đồng và sa vào cạm bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Lao động vùng cao mắc bẫy "việc nhẹ lương cao"

Không hợp đồng, chỉ giao kèo miệng "Thưởng nóng iPhone 13 Promax, thưởng tiền khi vượt doanh thu"... thực sự đã hấp dẫn những lao động trẻ ở vùng cao Lào Cai. Không ít người đã đồng ý sang Campuchia để làm việc mà không biết rõ công việc này ra sao, cuộc sống như thế nào. Người lao động đi với kỳ vọng sẽ có một số tiền lớn bằng việc làm ở những công ty không rõ tên, địa chỉ với mức lương được "quảng cáo" thực lĩnh từ 15-70 triệu đồng/tháng.

Tại huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), tình trạng người lao động rủ nhau sang Campuchia bắt đầu xuất hiện, và họ gọi tắt là đi "Cam làm game". 

Tháng 2/2022, em Tẩn Văn C. (sinh năm 2003), dân tộc Dao, xã Quang Kim đã cùng 8 - 9 người khác ở huyện Bát Xát (Lào Cai) xuống Hà Nội lên chuyến bay vào TP.HCM, rồi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để sang Campuchia.

Lào Cai: Cảnh báo tình trạng lao động vùng cao đi làm ở Campuchia - Ảnh 2.

Em Tao Văn D., xã Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) kể lại sự việc bị lừa bán sang Campuchia. Ảnh: T.A.

Em Tẩn Văn C. là một trong những người lao động tại Campuchia may mắn mới trốn về quê nhà trong tháng 5/2022, em C, chia sẻ: Làm việc ở nước bạn Campuchia nhàn lắm, em được bao ăn bao ở hết. Mà công việc này không khó nên không cần qua đào tạo gì.

Mỗi ngày chúng em chỉ cần gửi tin nhắn mời người vào chơi game, sau đó hướng dẫn họ cách nộp tiền vào tài khoản ngân hàng và rút tiền ra nếu thắng. Càng nhiều người chơi thì doanh thu công ty càng cao, em sẽ càng được thưởng nhiều. Nhưng không có gì nhàn nhã mà thu nhập cao cả, các game này như một hình thức đánh bạc trực tuyến. 

"Ví như game Tài Sỉu, có "App" riêng. Những trò chơi này cuốn hút lắm, thời gian đầu họ mở cho người chơi mới thắng liên tiếp, những kết quả này đều có thể sửa được trên máy, sau sẽ không cho thắng nữa. Khi bị thua, nhiều người chơi sẽ chán dần rồi bỏ chơi. Đến khi đó, doanh thu của công ty sẽ giảm xuống. Đồng nghĩa với lương của chúng em cũng giảm đi", em Tẩn Văn C. nói.

Theo em C thì chủ của những hãng Game này hầu hết đều là người Trung Quốc, họ trả lương thưởng hậu hĩnh để thu hút nhiều người thu nhập thấp sẵn sàng bỏ nhà, vượt biên đi làm.

Lương cơ bản của em C là 11,5 triệu đồng, khoảng 500 USD, được trả bằng tiền mặt. Ngoài tiền lương, khi kiếm được doanh thu cho công ty thì kể cả 1 triệu hay 10 triệu đi chăng nữa, vẫn có hoa hồng 7%, nên thu nhập không giới hạn. 

Tháng đầu vì ham làm, em C còn được thưởng lên đến 20 triệu. Nhưng từ tháng thứ 2 trở đi, doanh số của em C giảm dần. Nhiều anh chị làm trước ở đây cũng cho biết nếu tháng này không đạt doanh số, thì phần thiếu sẽ được dồn vào tháng sau.

Công ty trả lương vào ngày 15 hằng tháng, sau đó những người lao động được nghỉ 2 ngày để đi tiêu tiền. Mà mọi chi phí ở đây đắt gấp mấy lần ở Việt Nam, có bao nhiêu tiền cũng không đủ tiêu. Em C thấy việc mình làm là chủ yếu lừa người chơi, cho nên từ tháng thứ 3 em C không muốn làm nữa và bắt đầu âm tiền doanh thu.

Nếu không muốn tiếp tục làm việc, người lao động muốn nghỉ việc sẽ phải đền bù cho công ty một khoản tiền, trong khi công việc chỉ là giao kèo miệng với nhau và không có ký kết hợp đồng lao động hay cam kết nào bằng văn bản.

"Họ nói với em là phải làm đủ 6 tháng, nếu nghỉ trước thời hạn phải đền tiền cho công ty, tất cả không có hợp đồng gì đâu. Làm được doanh thu cao, thì khi về công ty chỉ lấy chi phí đi lại đã đưa mình sang bên đó là khoảng 1.000 USD. Thật ra không đến số tiền đó, nhưng họ cứ lấy thế cho tròn. Nếu mình làm được tầm 3 tháng đã muốn về mà doanh thu không kiếm được nhiều thì sẽ bị phạt 1.500-2.000 USD. Sau khi nhận tháng lương thứ 2, em phải tìm đường trốn về và em sẽ không bao giờ quay lại đó làm việc nữa", em Tẩn Văn C. nói tiếp.

Nói về những thông tin ngược đãi người lao động, em Tẩn Văn C, cho biết thêm: "Còn tùy vào nơi làm việc, nếu mình không làm sai thì không ai đánh mình, mình đi làm thế này có phải đi chơi đâu. Chỉ làm đúng việc của mình là nhắn tin cho khách giới thiệu cho bạn bè vào chơi. Nhưng nếu không đạt doanh thu, người ta sẽ cắt giảm lương và nhốt lại không cho ăn".

Làm chung phòng, chung nhóm nhưng không ai biết ai. Công việc không phải lao động chân tay như ở nhà nhưng giờ giấc khắc nghiệt. Cơ sở làm việc nơi này chỉ cách cửa khẩu vài trăm mét nên sau khi không chịu nổi áp lực em C đã may mắn trốn được về Việt Nam. 

Ngày về còn xa với lao động vùng cao mắc bẫy lừa việc làm

Không khó để tìm được mối sang Campuchia làm việc. Cách đơn giản nhất là mạng xã hội, chỉ cần đăng dòng câu hỏi "Muốn được sang làm việc ở Campuchia". Ngay lập tức đã có hàng chục người vào mời chào riêng để hỏi nhu cầu. 

Và tất nhiên những lời giới thiệu có cánh được bung ra ngay đầu câu chuyện, như: "Bên mình lương 2 tháng đầu là 21 triệu 250 nghìn nhé. Ăn ở tại công ty, công ty mình bao nhé. Phòng sạch sẽ và có đầy đủ tiện nghi nhé bạn… Bạn xin số điện thoại nhà xe đi vào Sài Gòn, bên mình sẽ gửi tiền nhà xe và ăn uống sẽ lo cho bạn. Chỉ cần ngồi lên xe và vào công ty mình thôi".

Lào Cai: Cảnh báo tình trạng lao động vùng cao đi làm ở Campuchia - Ảnh 3.

Những dòng tin nhắn riêng mời chào hậu hĩnh và hướng dẫn từng bước di chuyển để sang đến Campuchia qua mạng xã hội Zalo của các đối tượng. Ảnh: T.A.

Cũng theo chia sẻ của những người mời chào trên mạng xã hội, về việc chi phí cho việc sang Campuchia, phía họ sẵn sàng chi trả đầy đủ cho từng giai đoạn. Đi đến đâu chi trả đến đó, theo em Tẩn Văn C. "họ làm như này để tránh tình trạng người lao động lừa không sang".

Thế nhưng, có những trường hợp khi đi sang tới nước Campuchia rồi bị mắc kẹt chưa thể trở về. Theo người thân của em Đặng Văn T., dân tộc Dao ở thị trấn Bát Xát (Lào Cai) kể, T. đi sang Campuchia đã hết hợp đồng 6 tháng nhưng chưa thể về, vì chưa đáp ứng được doanh thu mà phía công ty sử dụng lao động đã giao. Hoặc muốn về phải đền cho công ty số tiền là 30 triệu đồng, tuy nhiên vì gia đình hoàn cảnh khó khăn nên đành chịu.

Oái oăm là khi người lao động không đạt được số doanh thu được giao sẽ bị cộng dồn vào tháng tiếp theo, và mức khoán doanh thu sẽ không ít hơn hoặc bằng tháng trước. Khi đó, cũng sẽ không có lương và với vòng luẩn quẩn như vậy thì không biết khi nào người lao động mới có thể dứt ra được.

"Ở bên đó, nó suốt ngày nhắn về hỏi vay tiền. Lúc đầu nó nói để về chỉ mất 10 triệu thôi, vì đi chui đóng mỗi bên 5 triệu thôi nhưng hôm sau lại nhắn không về được. Nó bảo càng ngày doanh thu cộng dồn, cơ hội về là không thể. Những trò game đó là đánh bạc lừa đảo, nếu sau này nó về chắc phải đi sám hối vì đã lừa nhiều người mất tiền lắm rồi", người thân của Đặng Văn T. chia sẻ.

Tại xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát), chính quyền xã cho biết, trên địa bàn xã có 2 trường hợp đi lao động tại Campuchia, trong đó có trường hợp Hoàng Hải L. gọi về nhà báo, "nhờ gia đình chuyển cho 70 triệu đồng để trả cho chủ thì họ mới cho về. Nhưng phía gia đình L. điều kiện rất khó khăn, không thể lo đủ số tiền đó. Gia đình L. đã khai báo với chính quyền để mong đón được con về".

Trung tá Nguyễn Văn Tuất, Phó Trưởng Công an xã Cốc Mỳ cho biết: Người dân trên địa bàn xã khi đi làm việc ngoài tỉnh, chỉ lấy xác nhận dân sự nên rất khó xác định từ đầu là họ có đi làm ở Campuchia hay không. Qua rà soát lại, công an xã cũng đã nắm được thông tin một số lao động đi làm bên Campuchia, nhưng mới thấy có trường hợp của Hoàng Hải L. bị như vậy.

Khi gọi điện về người này cũng chia sẻ địa điểm ở Campuchia và thông tin thêm rằng đang bị xã hội đen canh giữ không thể đi ra ngoài. Trường hợp này bị dẫn dụ vào TPHCM lao động nhưng không rõ nguyên nhân vì sao sau đó lại sang Campuchia.

Nhiều trường hợp đi lao động tại Campuchia và những lời cảnh tỉnh

Theo số liệu thống kê của xã Quang Kim (huyện Bát Xát), toàn xã có khoảng 82 trường hợp đi lao động tại Campuchia, 7 trường hợp đã quay về còn 75 trường hợp vẫn đang làm việc ở Campuchia. Có nhiều trường hợp công việc và điều kiện thuận lợi, nhưng có những trường hợp mọi điều kiện đều khó khăn. Đặc biệt có trường hợp được gia đình cho là bị lừa bán sang Campuchia và liên lạc về cho gia đình chuộc người với số tiền lớn.

Trung tá Sùng A Dính, Trưởng Công an xã Quang Kim, huyện Bát Xát, cho biết: "Điển hình như trường hợp của em Tao Văn D. (dân tộc Giáy), gia đình khai báo là đã bị lừa bán sang Campuchia làm việc từ 17/2/2022, cùng với 1 người ở thị trấn Bát Xát chưa rõ thông tin.

Em D. làm việc đến giữa tháng 6 thì gọi điện về cho gia đình chuyển sang cho 120 triệu để chuộc người. Gia đình đã chuyển xong số tiền đó và em D. đã được thả về. Hiện D. đang sống ở một xã khác của huyện. Chúng tôi đã nhờ Công an huyện Bát Xát liên hệ yêu cầu D. đến trụ sở để cung cấp thông tin thêm sự việc".

Lào Cai: Cảnh báo tình trạng lao động vùng cao đi làm ở Campuchia - Ảnh 4.

Một trong những game rút sạch túi tiền người chơi mà những lao động đi Campuchia đang làm dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh. Ảnh: T.A.

Còn tại xã Bản Qua (huyện Bát Xát), xã cũng xác định có 2 trường hợp đi lao động ở Campuchia. Khi đi, người dân không báo chính quyền địa phương, chỉ qua rà soát lao động, ở thôn nắm được thông tin đã báo lên chính quyền địa phương.

Về phía gia đình, họ ngại ngần chỉ cung cấp thông tin con cái họ đi Hà Nội và một số tỉnh khác làm việc, do e ngại đi lao động "chui" sẽ bị phạt.

Ông Hồ A Lò, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Qua (huyện Bát Xát), cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã có khoảng 124 lao động đi làm ở ngoài tỉnh, mặc dù có những doanh nghiệp trên địa bàn nhưng số lượng lao động địa phương làm việc tại đây không nhiều. Hiện nay cũng đã có nhiều luồng thông tin về việc lao động ở Campuchia. 

Trong đó, trên mạng xã hội có nhiều thông tin rằng, đi làm ở Campuchia có thu nhập cao. Công việc chỉ nhắn tin, gọi điện bán hàng từ xa, làm game đánh bạc… do máy chủ đặt ở nước ngoài. Điều này, đã thu hút thanh niên lứa tuổi 18-20 nhưng do là lao động ở nông thôn, vùng cao nên nhận thức còn nhiều hạn chế, hiểu biết chưa sâu, có những trường hợp thanh niên tự đi. Trong đó, qua rà soát có 2 trường hợp đi làm ở Campuchia khoảng 4-5 tháng nay.

Còn tại xã Bản Vược (huyện Bát Xát), qua rà soát của xã có 4 trường hợp đi lao động tại Campuchia. Trước đó, những trường hợp này cũng đã từng đi lao động ở Trung Quốc.

Thiếu tá Phạm Văn Hoàn, Trưởng Công an xã Bản Vược cho hay: Có trường hợp đọc được từ thông tin tuyển dụng từ mạng xã hội, rồi liên lạc với môi giới, chụp ảnh thẻ để làm hộ chiếu và được gửi tiền vào tài khoản để chi phí sau đó sẽ đón đi Campuchia. Sau khi, vận động gia đình trường hợp này đã chuyển hướng đi làm việc ở Bắc Giang.

Xã Bản Vược có gần 200 lao động đang đi làm thuê ngoài tỉnh. Trong đó, có 35 trường hợp đi lao động ở nước ngoài, Trung Quốc là 27 trường hợp, 4 trường hợp đi Campuchia, 2 trường hợp đi Philippines, 2 trường hợp đi Lào. Đa số là lao động trẻ, sinh năm 1996 - 2000.

Trước những vấn đề nóng của lao động tại Campuchia, lực lượng chức năng đang tích cực vào cuộc để làm rõ những trường hợp đang cho là bị bán đi lao động hoặc tống tiền. Đồng thời, đề nghị người dân cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội.

Mùa Xuân - Thục Anh