Quảng bá, xây dựng thương hiệu ẩm thực Tây Bắc
Tây Bắc được du khách biết đến với những món ăn quen thuộc như cá suối nướng, cải đá, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố, chẩm chéo, cơm lam, hạt dổi, măng rừng, các loại nấm, chè, rượu ngô, rượu sắn, rượu táo mèo...
Để quảng bá và xây dựng thương hiệu cho ẩm thực địa phương, các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc cần tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch, tuần lễ du lịch; xây dựng trang web riêng về ẩm thực với nhiều ngôn ngữ khác nhau để giúp khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế tìm kiếm thông tin chính xác về địa điểm, món ăn, các hoạt hộng liên quan tới ẩm thực của vùng.
Lễ hội văn hóa truyền thống luôn thu hút lượng lớn khách du lịch. Việc đặt các gian hàng ẩm thực địa phương tại các lễ hội này vừa giúp quảng bá thương hiệu ẩm thức vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, thưởng thức và mua sắm đặc sản của du khách.
Xây dựng các khu ẩm thực gắn liền với hoạt động du lịch
Tây Bắc hiện có nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng như quần thể Sun World Fansipan, đồi chè Mộc Châu (Sơn La), đèo Ô Quy Hồ, bản Cát Cát, bản Sín Chải (Lào Cai)... Việc xây dựng các khu ẩm thực gắn liền với các địa điểm du lịch vừa góp phần giải quyết việc làm cho người dân vừa tăng doanh thu du lịch vùng và đặc biệt giúp du khách có cơ hội được trải nghiệm ẩm thực trong một không gian đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Bắc
Quy hoạch và xây dựng các khu ẩm thực gắn liền với chợ truyền thống
Tây Bắc có rất nhiều phiên chợ truyền thống lâu đời như chợ Lào Cai, Bắc Hà, chợ Sang Thàng, Lùng Phình, Cao Sơn, Mường Hum... Các phiên chợ luôn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Việc quy hoạch, xây dựng các gian hàng, khu ẩm thực gắn liền với không gian chợ sẽ giúp quảng bá ẩm thực cũng như tăng mức độ nhận biết, sự trải nghiệm cho thực khách.
Cải thiện cơ sở vật chất kinh doanh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Các món ăn nên được chế biến và bảo quản kỹ lưỡng hơn để đảm bảo trải nghiệm ẩm thực của du khách.
Hiện nay, các nguyên liệu chế biến chủ yếu là nguyên liệu được người dân tự nuôi trồng, đánh bắt. Việc sơ chế, chế biến chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và nhân thức về vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, cơ sở vật chất, dụng cụ chế biến sơ sài. Đây chính là nguyên nhân chính có thể dẫn đến việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vì vậy, để phát triển bền vững cần quy hoạch và xây dựng các khu vực ẩm thực phù hợp với truyền thống địa phương và điều kiện trải nghiệm cho du khách; chú ý công tác thu gom và xử lý chất thải thải; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm…
Phát triển “ẩm thực quà”
Hạt dổi rừng Tây Bắc.
Việc phát triển ẩm thực dưới dạng quà tặng là một giải pháp hiệu quả. Tây Bắc có rất nhiều sản vật rừng nổi tiếng như mật ong rừng, măng, trái cây, các loại rau rừng, các loại thuốc, các loại gia vị như hạt dổi, mắc khén, thảo quả... đến các loại thực phẩm được chế biến sẵn như cơm lam, thịt trâu gác bếp, thịt lợn sấy khô, cá sấy..., các thực phẩm tươi như thịt trâu, cá, thịt lợn và các loại rượu mang đậm hương vị núi rừng.
Tuy nhiên, rất ít du khách lựa chọn các sản phẩm này về làm quà tặng hoặc để dùng trong gia đình mà chủ yếu họ lựa chọn các mặt hàng như quần áo, khăn thổ cẩm... Vì vậy, các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ người dân đăng ký kinh doanh, sơ chế, chế biến, đóng gói, dán nhãn, dự trữ... đến xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm.