Ngày hội trưng bày sản phẩm nông nghiệp an toàn, là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 73 năm thành lập Đảng bộ huyện Mường La (Sơn La) và và 43 năm chuyển trung tâm huyện về thị trấn Ít Ong.
Đến từ mảnh đất vùng cao Chiềng Công còn nhiều khó khăn, các sản phẩm như thảo quả, sơn tra, sa nhân được giới thiệu, quảng bá tại gian hàng đặc trưng của địa phương thu hút đông đảo người dân, du khách quan tâm.
Ông Mùa A Lụ, Chủ tịch UBND xã Chiềng Công cho biết: Chiềng Công là xã vùng cao của huyện Mường La. Phát huy tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu, xã hiện có hơn 50 ha thảo quả, 70 ha sơn tra và 15 ha sa nhân thay thế những diện tích cây trồng kém hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
"Chúng tôi đã vận động bà con thay đổi về sản xuất, thay thế cây ngô bằng sơn tra, thảo quả. Những bản trồng sơn tra, thảo quả kinh tế khá hơn nhiều. Với cây thảo quả, chúng tôi tiêu thụ chủ yếu ở Lào Cai, Yên Bái, thương lái đến tận nương mua. Các hộ thu nhập trung bình được 50 triệu, cao nhất thì được 300 triệu", ông Mùa A Lụ cho hay.
Tại xã Mường Bú, Hợp tác xã Đoàn kết có hơn 30 ha cây ăn quả. Năm nay đã xuất được 200 tấn xoài sang Trung Quốc, khoảng 300 tấn tiêu thụ nội địa.
Bà Lò Thị Thuỷ, Giám đốc HTX cho biết: "Hợp tác xã có các sản phẩm chủ lực như xoài Đài Loan, xoài Úc, xoài địa phương và một số sản phẩm khác. Chúng tôi sản xuất theo quy trình VietGap, bón phân, phun thuốc theo 4 đúng, đúng thời điểm. Sản phẩm chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Úc, và một số địa phương trong nước, áp ứng yêu cầu thị trường".
Đến từ “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến, chị Lò Thị Hiền cho biết, những sản phẩm OCOP và nông sản tiêu biểu của xã được giới thiệu dịp này là tâm huyết, nỗ lực của bà con trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm, quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
"Đến với gian hàng ngày hôm nay, Ngọc Chiến mang đến sản phẩm OCOP 4 sao Nếp tan Ngọc Chiến, cùng với đó là dưa mèo, mận xanh Nậm Nghiệp, su su... Thông qua gian hàng chúng tôi muốn bạn bè trên khắp mọi miền biết đến chúng tôi nhiều hơn. Để sản phẩm chúng tôi được quảng bá, tiêu thụ trên khắp mọi miền và vươn xa hơn nữa", chị Lò Thị Hiền bộc bạch.
Bên cạnh đó còn nhiều sản phẩm hấp dẫn như: mật ong Chiềng Lao, gạo tẻ đỏ Chiềng Muôn, Chiềng Ân, cá mẳm Chiềng Hoa, bánh dày Chiềng Công, Ớt Nậm Giôn... Mỗi sản phẩm đều mang đậm bản sắc, văn hoá của mỗi địa phương ở Mường La.
Hoạt động khai trương gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp an toàn huyện Mường La là một sự kiện quan trọng, tạo tiền đề góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện Mường La tới đông đảo nhân dân.
Gian hàng còn có sự tham gia của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La, tạo cơ hội, điều kiện phối hợp, hỗ trợ, cộng tác với các huyện bạn, các Hợp tác xã, doanh nghiệp bạn nhằm triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; xúc tiến, quảng bá du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Mường La đã có nhiều kết quả đáng khích lệ; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng rõ nét.
"Huyện tập trung phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, từ trồng ngô trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có kinh tế cao, đặc biệt tập trung chuyển đổi cây ăn quả chất lượng cao, có giá trị. Chuyển từ nông nghiệp thuần tuý sang nông nghiệp kinh tế cao và bền vững", ông Nguyễn Văn Tâm nói.
Những sản phẩm nông sản đặc trưng, tiêu biểu không chỉ giúp bà con Mường La phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, mà còn là món quà đặc biệt để du khách thập phương mang về tặng người thân mỗi khi có dịp ghép thăm vùng đất bình yên bên dòng Đà giang này.