Độc đáo ẩm thực: Món bánh trưng Bờ Đậu gây thương nhớ ở Thái Nguyên

04/12/2023 11:02

Bánh chưng Bờ Đậu rất được lòng du khách khi đến với miền đất xinh đẹp Thái Nguyên. Được nhiều người ưa chuộng nhờ vào bí quyết riêng của người dân nơi đây, được giữ kín và lưu truyền từ đời này sang đời khác với mỗi người trong gia đình.

Xuất xứ của bánh trưng Bờ Đậu

Không chỉ là vùng đất nổi tiếng với chè thơm ngon, đậm đà, Thái Nguyên còn có rất nhiều nét đặc sắc và phong phú trong văn hóa ẩm thực mà một trong số những sản phẩm tiêu biểu là bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Sơn Cẩm và Cổ Lũng của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, từ lâu nay có nghề làm bánh chưng rất ngon.

banh-chung-bo-dau-1701662232.jpg
Ảnh: Poliva.vn

Theo lời người dân nơi đây, tổ nghề của món bánh chưng này chính là cụ bà Nguyễn Thị Xuân. Cụ Xuân hay còn gọi là cụ Đấng là người của xã Cổ Lũng. Khi xưa, quán bánh của cụ mở ra ở ngay ven đường lúc nào cũng đông nghịt khách ra vào thưởng thức món bánh chưng. Chỉ cần đi qua thôi đã ngửi thấy hương thơm phảng phất của món bánh truyền thống nổi tiếng này.

Đến khi tuổi cao, cụ Đấng đã truyền lại nghề làm bánh chưng cho con cháu và cho đến ngày nay món bánh này vẫn luôn được lưu truyền và đã giúp cho nơi đây trở thành làng nghề truyền thống chuyên làm bánh chưng Bờ Đậu cung cấp cho nhiều nơi trên cả nước. Hiện nay, làng nghề này vẫn còn rất nhiều hộ dân làm bánh chưng để kinh doanh nên món bánh này vẫn luôn được gìn giữ và nó đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng của người Thái Nguyên. Bạn bè khắp mọi nơi xa gần cứ hễ nhắc tới vùng đất Thái Nguyên là lại nhắc tới món bánh này.

Công đoạn chế biến làm nên sự khác biệt của bánh trưng Bờ Đậu

Món bánh chưng Bờ Đậu được người chế biến kỳ công, cẩn thận ngay từ những công đoạn đầu tiên. Đó là chọn lựa nguyên liệu, gạo nếp phải tròn mẩy, dẻo và thơm. 

2banh-chung-bo-dau-3-jpg-1701662366.jpg
Ảnh: Agridoctor.vn

Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon vùng Định Hóa, chín rền trên bếp nhỏ lửa có màu xanh và mùi thơm hấp dẫn.Sau đó người ta sẽ vo gạo, ngâm gạo trong khoảng 2 tiếng đồng hồ chờ cho đến khi gạo nở ra thì để ráo nước, cho thêm vào đó một chút muối.

Lá dong gói bánh thường là loại lá dày, có bản rộng. Đặc biệt, lá phải có màu xanh mướt thì khi gói bánh mới xanh và có màu sắc hấp dẫn, bắt mắt. Người dân kể rằng lá dong gói bánh chưng Bờ Đậu được lấy tại rừng Na Rì, đem về rửa sạch, để cho ráo nước, rồi lau khô bằng khăn sạch và tước cuống lá đi. Sau đó là đến công đoạn chặt bớt phần ngọn lá và xếp gọn gàng để chuẩn bị gói bánh chưng.

Phần nhân của bánh được làm bằng đậu xanh thơm mịn. Để cho nhân bánh thêm phần đậm đà và lôi cuốn thì người ta sẽ cho thêm muối, thịt ba chỉ. Điều đặc biệt tạo nên sự hấp dẫn của món bánh chưng Bờ Đậu này đó là phần thịt làm nhân là loại lợn thả rông do chính người dân nơi đây chăn nuôi và cho ăn hoàn toàn từ nguồn thức ăn tự nhiên. Do đó, thịt lợn rất chắc và ăn có vị ngọt khó có thể trộn lẫn.

Về Thái Nguyên , nếu như không ghé qua làng Bờ Đậu mà thưởng thức món đặc sản nổi tiếng này thì sẽ rất hoài phí chuyến đi. Cắn một miếng bánh, ngay lập tức khiến bạn mê mẩn trước vị ngon mà nó mang lại. Đó là vị dẻo của nếp thơm, bùi bùi của đỗ, ngậy ngậy của thịt ba chỉ. Tất cả hòa quyện tạo thành món đặc sản dân dã, mộc mạc vương vấn bước chân du khách.

Và bạn cũng có thể mua bánh chưng Bờ Đậu mang về làm quà tặng in đậm dấu ấn vùng đất Thái Nguyên sau chuyến đi thú vị. Chắc chắn những dư vị thơm ngon đọng lại sẽ khiến bạn muốn trở lại thêm nhiều lần nữa.

 

Khánh Ly (tổng hợp)