Người bị chết do ngập lũ: 1 người ở huyện Trấn Yên.
Người mất tích: 3 người ở huyện Lục Yên. Người bị thương là 17 người (thành phố Yên Bái 4 người, Lục Yên 6 người, Văn Yên 3 người, Yên Bình 1 người).
Thiệt hại về nhà ở là 22.365 nhà, nhiều công trình công cộng và hạ tầng kỹ thuật bị thiệt hại nặng nề. Ước thiệt hại khoảng 195 tỷ đồng.
Yên Bái đã huy động hơn 10.850 người (bộ đội 199 người, dân quân 1.328 người, lực lượng khác 9.323 người) để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, các huyện, thành phố đã chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự phối hợp Ủy ban nhân dân các xã, phường bị sạt lở, thiệt hại về người huy động lực lượng, phương tiện xuống hiện trường thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân, đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu, đồng thời hỗ trợ gia đình di dời tạm thời người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở để bảo đảm an toàn, chủ động hỗ trợ kinh phí cho gia đình có người bị chết 25 triệu đồng/người; hỗ trợ gia đình có người bị thương 5 triệu đồng/người.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Thác Bà, cho biết, đến 7 giờ ngày 11/9, lưu lượng nước về giảm xuống mức 3.180m3/s (đã giảm hơn 1.000m3/s so chiều 10/9), mực nước hồ hiện tại là 59,84m, tổng lưu lượng xả qua công trình là 3.201 m3/s. Mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3 trên thượng nguồn đã giảm đáng kể, dự kiến sẽ không tăng lên nữa. Công trình, nhà máy và hồ chứa vẫn an toàn.
Trước đó, tỉnh Yên Bái đã di dời 3.186 hộ với 11.279 nhân khẩu của 24 thôn, tổ ở các xã Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh, thị trấn Thác Bà (huyện Yên Bình) nhằm bảo đảm an toàn cho người dân khi nhà máy thủy điện Thác Bà xả lũ.
Trong công điện ngày 10/9, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái tìm mọi biện pháp có thể để kiểm soát nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà.