Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, sự ủng hộ và đồng hành của người dân, doanh nghiệp công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt được nhiều kết quả tích cực, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện. Việc thu hút đầu tư đã góp phần khai thác và phát huy được những tiềm năng, lợi thế của tỉnh về đất đai, khí hậu, vùng nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên.
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 22 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đang được triển khai, trong đó có 16 dự án đã lựa chọn được chủ đầu tư; 6 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2023.
Cùng với các dự án đang triển khai giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có khoảng 108 vị trí dự kiến giới thiệu để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thời gian tiếp theo với tổng diện tích đất ở dự kiến là 647,5 ha.
Ông Trần Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở đã xác nhận đề nghị đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai cho 234 lô đất, diện tích 13.715 m2 tại dự án xây dựng Khu đô thị mới (quỹ đất dọc đường Hồng Hà, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên); xác nhận đề nghị đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai cho 66 lô đất, diện tích 9.101 m2 tại dự án xây dựng khu đô thị mới (quỹ đất giáp Sở Lao động - Thương binh và xã hội) tổ dân phố số 9, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái).
Tuy chưa có dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp nhưng năm 2022 đã triển khai thủ tục thành lập và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cho Khu công nghiệp Trấn Yên, diện tích 339 ha; Cụm công nghiệp Phú Thịnh 1, diện tích 75ha; Cụm công nghiệp Phú Thịnh 2, diện tích 75ha (huyện Yên Bình).
Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của thị trường bất động sản, tỉnh cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo khung pháp luật hiện hành của Nhà nước về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế nhập khẩu; hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin; hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính...
Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương và địa phương, tỉnh cần rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về đầu tư, cấp phép xây dựng, thuê đất, cấp điện nước, đánh giá tác động môi trường và các thủ tục hành chính khác; thực hiện hiệu quả Chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”, Chương trình "Cà phê doanh nhân” định kỳ hàng tháng, tạo điều kiện đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tăng cường hoạt động của Tổ thu hút đầu tư, Tổ công tác rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư vào tỉnh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư.
Các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất triển khai dự án trong thời gian nhanh nhất.