Chưa phát triển đồng bộ
Tây Bắc được đánh giá cao về tiềm năng để phát triển du lịch khi tụ nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc sắc, mang tính đặc thù cao. Gần đây, một số địa phương bắt đầu ý thức, quan tâm đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch, trong đó, tỉnh Lào Cai đi đầu trong việc thu hút khách, phát triển sản phẩm du lịch, đón trung bình khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến toàn vùng. Năm 2017, Lào Cai đón 700 nghìn lượt khách quốc tế, 2 triệu khách nội địa, tăng hơn 28% so với 2016. Hà Giang trong những năm gần đây cũng đã thu hút ngày một nhiều về lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Theo ông Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc: Dù có sự định hướng thúc đẩy nền kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư của các tỉnh Tây Bắc, nhưng theo đánh giá, kinh tế Tây Bắc chưa có nhiều phát triển, đời sống và an sinh xã hội của đại bộ phận dân cư còn ở mức thấp. Nền kinh tế chậm phát triển được cho là một khó khăn lớn bởi Tây Bắc vốn là vùng nghèo nhất nước, khoảng cách về thu nhập so với các vùng khác có chiều hướng ngày càng rộng thêm. Tỉ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc là gần 26%, cao gấp 3 lần so với trung bình chung của cả nước, số huyện nghèo chiếm gần 70% của cả nước, đặc biệt là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng còn yếu kém...
“Vì thế, hoạt động du lịch còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu, sản phẩm du lịch đơn sơ, rời rạc, chất lượng thấp, chưa hấp dẫn và chưa tạo được thương hiệu, chưa thu hút thị trường khách cao cấp lưu trú dài ngày. Các dịch vụ du lịch, ăn uống, giải trí không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn dịch vụ và lực lượng nhân lực yếu về chuyên môn cũng như hiệu quả kinh doanh du lịch còn ở mức khiêm tốn...” - ông Bình chia sẻ thẳng thắn về thực trạng.
Ưu tiên sản phẩm mang tính đặc thù
Liên kết trong kinh doanh một là xu thế tất yếu, nhất là đối với kinh doanh du lịch. Nhận thức được tầm quan trọng trong liên kết phát triển, các tỉnh Tây Bắc nỗ lực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Từ năm 2006, ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ đã liên kết xây dựng thành công tuyến du lịch về cội nguồn hay năm 2009, chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” gắn kết 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang.
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp đã đề xuất công tác thúc đẩy du lịch vùng Tây Bắc dưới sự “bắt tay” của các địa phương với công ty lữ hành nhằm lựa chọn ra sản phẩm du lịch đặc trưng. Khác với nhiều vùng trên cả nước, sản phẩm du lịch Tây Bắc thu hút thị trường khách hẹp hơn, ít mang tính đại trà hơn. Hơn nữa, Tây Bắc có địa bàn tập trung nhiều tài nguyên mang tính nhạy cảm cao về môi trường cũng như văn hóa, cần chú trọng đến công tác bảo tồn.
Bà Nguyễn Thanh Trang - Trưởng phòng thị trường nội địa Cty C Vietnam Travel - cho rằng nên xây dựng sản phẩm sao cho phù hợp với đặc thù của vùng miền Tây Bắc. Tính đặc thù này phải đòi hỏi sự đồng đều từng bước, tránh vội vã thu hút khách cho đủ “chỉ tiêu” đề ra sẽ dẫn đến khả năng tạo ra những tác động tiêu cực hay thương mại hóa các giá trị văn hóa đặc sắc. “Việc tập trung phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng phải có chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn mới có thể đảm bảo chất lượng bền vững của từng sản phẩm” - bà Trang nhấn mạnh.
Song song đó, đưa thương hiệu các sản phẩm du lịch đặc thù thu hút thị trường khách du lịch quốc tế bằng cách tận dụng quảng bá tại các hội chợ quốc tế với những ấn phẩm có sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, đi kèm hình ảnh bắt mắt. Việc đẩy mạnh e-marketing hay các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cũng là một trong các hình thức quảng bá phù hợp, kịp thời dành cho du khách nước ngoài muốn quan tâm, tham khảo sản phẩm nhưng vẫn phải lựa chọn, cân nhắc cách tiếp cận đúng thị trường, đối tượng phù hợp.
Để thúc đẩy phát triển du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị tập trung cơ cấu lại ngành du lịch, phải đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, tích cực xúc tiến quảng bá, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng...