Thận trọng mở rộng, chú trọng cho chất lượng
Thời gian qua, Lào Cai tiếp tục mở rộng thêm 12.000ha quế, nâng tổng diện tích quế trên địa bàn tỉnh đạt trên 52.500ha. Giai đoạn 2026 - 2030, Lào Cai dự kiến nâng tổng diện tích quế lên đạt 66.000ha, song song với việc áp dụng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất giống tới khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hữu cơ…
Liên quan việc mở rộng diện tích, ông Lê Anh Tuấn, Tư vấn cao cấp của Dự án Great cho rằng, tăng trưởng về nhu cầu của thị trường quế thế giới hiện nay khoảng 7 - 8%, nhưng tăng trưởng về diện tích quế của Lào Cai đang lên đến 20 - 30% mỗi năm, vì vậy đây sẽ là một trong những rủi ro khi chúng ta không kiểm soát tốt được những vùng trồng.
Theo ông Tuấn, cần phải có một ngưỡng diện tích nhất định và khuyến cáo bà con nông dân cũng như doanh nghiệp không nên chạy theo diện tích quá nhanh, nâng số lượng quá lớn mà nên đi vào chất lượng, chế biến sâu nhiều hơn. Bởi hiện nay, mặc dù nhu cầu quế của thị trường quốc tế tiếp tục tăng, nhưng cũng sẽ đến một ngưỡng nào đó, nhất là các nước phát triển ở khối châu Âu.
Đối với sự phát triển ngành quế Việt Nam nói chung và với Lào Cai nói riêng, nên khống chế phát triển diện tích nhất định, phải có những bước đi rất thận trọng liên quan đến kiểm soát chất lượng vùng trồng và không phải chỗ nào cũng có thể phát triển quế.
Một vấn đề quan trọng nữa đó là cần quan tâm phát triển sản phẩm, bởi quế có 3 sản phẩm chính là tinh dầu, sản phẩm quế vỏ và gỗ quế.... Nếu chú trọng quá nhiều về sản phẩm tinh dầu để khai thác triệt để lá quế thì chất lượng quế vỏ sẽ giảm đi. Cây quế khi giảm tán lá sẽ giảm đi khả năng quang hợp, kéo theo giảm chất lượng tinh dầu trong vỏ và độ dày của vỏ. Đây chính là rủi ro của Lào Cai, bởi chúng ta đang trồng với mật độ quá dày. Vấn đề gần đây nữa chính là vấn đề sâu bệnh khi trồng với mật độ dày…
“Chúng ta phải phát triển theo chiều sâu, quan tâm vấn đề quy hoạch, giống, vấn đề về chất lượng, vấn đề liên kết và đi vào sản phẩm chế biến, thay vì chạy theo số lượng… Cần phải có những khuyến cáo rất rõ ràng với bà con nông dân, vì bà con hiện nay đang có xu hướng chuyển từ các cây trồng khác như chè, chuối... để chuyển sang trồng quế, sẽ gây mất cân bằng trong sản xuất nông nghiệp”, ông Lê Anh Tuấn nói.
Sản xuất hữu cơ, dễ mà khó
Ông Lê Văn Long, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh) cho biết, hiện nay diện tích quế hữu cơ của Lào Cai có khoảng hơn 3.600ha, trong đó diện tích vùng quế nguyên liệu của Công ty Sơn Hà khoảng trên 2.200ha
Cây quế được trồng trên đồi để đạt hữu cơ là rất dễ dàng, nhưng quá trình vận chuyển từ trên đồi về nhà máy chế biến của các doanh nghiệp làm sao để đạt được tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng đang là vấn đề khá khó. Bởi đó là cả một quá trình thành chuỗi, từ khâu sản xuất của nông dân tới vận chuyển đến các doanh nghiệp thu mua, sau đó là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
“Chỉ đơn giản là nông dân không tuân thủ nguyên tắc cơ bản, ví dụ họ vô tình mặc những bộ quần áo có phun thuốc trừ sâu cho cây ngô về khi đi thu hoạch quế chẳng hạn. Lúc đó, họ sẽ vô tình làm lây nhiễm chéo sang sản phẩm quế và đồng nghĩa với sản phẩm quế ấy sẽ không đạt chuẩn hữu cơ. Đó là những cái khó trong quá trình chứng nhận hữu cơ. Nói là dễ, nhưng để ra thành phẩm hữu cơ thì đó là cả một quá trình”, ông Lê Văn Long nói.
Cũng theo vị đại diện Công ty Sơn Hà, khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ngoài sản phẩm hữu cơ, họ còn đòi hỏi những sản phẩm theo tiêu chuẩn của họ. Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải sản xuất theo hướng hữu cơ.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp được chứng nhận hữu cơ rồi, thì vấn đề lớn hơn là cần duy trì và phát triển vùng diện tích hữu cơ ấy. Đây là một chuỗi từ nông dân, đến thương lái thu mua, doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu.
"Sản phẩm hiện nay được gia tăng nhất là sản phẩm quế sáo, Lào Cai là vùng nguyên liệu quế rất phù hợp với sản phẩm quế sáo này. Đây là sản phẩm có giá trị gia tăng nhất trong chuỗi ngành hàng quế.
Chúng tôi hi vọng tỉnh Lào Cai sẽ đưa ra các cơ chế chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp tại địa phương, các HTX, hay các hộ nông dân, làm sao để có thể chế biến sâu để sản xuất ra các sản phẩm quế sáo ngay tại Lào Cai", theo ông Lê Văn Long.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 3.671 ha quế đã được công nhận vùng quế hữu cơ. Trong đó, huyện Văn Bàn do Công ty VinaSamex thực hiện 1.374ha cho 754 hộ; huyện Bắc Hà do Công ty Sơn Hà xây dựng 2.247ha cho 683 hộ. Hiện tại, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Xuất nhập khẩu Việt Bắc cũng đã tổ chức rà soát được 1.000ha tại xã Xuân Hòa, Thượng Hà, Vĩnh Yên và liên kết với các hộ dân để xây dựng chứng chỉ quế hữu cơ vào cuối năm 2022.