Đã từ lâu lắm rồi, núi rừng Tây Bắc cao và rậm rạp, cây cối um tùm, người Tày chẳng biết từ khi nào cây măng vầu bén rễ và sinh sôi ở vùng đất này. Người ta chỉ biết cứ đến nhữnng ngày giáp tết và tháng riêng, tháng hai, cây vầu trên núi cao không những mang lại cho con người những lứa măng ngon và đậm đà mà còn mang lại giá trị kinh tế cho từng hộ gia đình nơi đây.
Cây vầu vùng Tây Bắc có sức sinh sôi mạnh, mọc thành những rừng vầu xanh tốt quanh năm. |
Tại những đỉnh núi cao soi mình xuống những dòng suối uốn lượn và những đồi thấp hay những vạt rừng ven suối vùng Tây Bắc, vầu mọc nhiều vô kể. Người Tày ở đây vẫn kể cho nhau nghe ngày xưa, những người Tày đầu tiên đặt chân đến những vùng đất còn hoang sơ để sinh cơ lập nghiệp rồi mang giống măng vầu về trồng, có người lại kể, những vùng đất Tây Bắc mưa nhiều, đất rừng lại “nạc” và màu mỡ nên rất thích hợp cho cây vầu sinh sôi.
Đó chỉ là truyện xưa kể lại nhưng đến hôm nay, tuy cuộc sống nơi đây có nhiều đổi khác, cây rừng có thể không còn nhiều nhưng những rừng măng vầu bên những bản làng Tày vẫn xanh tốt quanh năm.
Cây vầu tuy mọc trên rừng hay được trồng trong vườn nhà nhưng có vị trí rất quan trọng trong cuộc sống của cư dân bản Tày Tây Bắc. Người Tày dùng cây vầu để làm cột, đòn tay, dui mè nhà, chuồng trại hay để đan vách rất kiên cố, đan các vật dụng trong nhà. Cây vầu cũng có mặt trong các sinh hoạt văn hóa của người Tày như tang ma, lễ hội, tết nguyên đán… Bởi thế cho nên, cây vầu luôn có mặt trong mỗi gia đình người Tày ở Tây Bắc.
Trước đây, măng vầu mọc hoang ở trên rừng hay ven suối nhưng giờ măng vầu được mang về trồng trong vườn nhà thành những khoảnh măng rất rộng. Đến Tây Bắc, vào các bản Tày, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của rừng cây vầu xanh tốt. Vầu dễ tính, ưa đất, “phải lòng” người Tày nên bám rễ bao đời và ở bất cứ đâu. Đường vào bản, lên núi, hai bên đường đi, măng vầu sinh sôi đến lạ. Cây cứ san sát nhau cho đến tận ven suối, măng vầu mọc thành rừng xanh tốt.
Cây vầu không những là nét văn hóa của người Tày Tây Bắc mà còn mang giá trị kinh tế, góp phần mang lại thu nhập cho bà con nơi đây. |
Vào mùa măng vầu mọc, trong tiết trời tháng chạp, tháng giêng, người Tày Tây Bắc lại đeo gùi, đeo tải, mang theo thuổng lên rừng đào măng. Ai cũng thích mùa này vì cái thú lên rừng sau tết để đào măng rừng chẳng phải nơi nào cũng có được.
Vì thế, vào mùa măng mọc, chẳng ai bảo ai, người dân từ trong các bản Tày lên rừng đào măng về thưởng thức và mang bán ở chợ phiên. Nhưng công việc tìm và đào những “ấu măng” vầu không hề đơn giản. Người ta phải lận vào tận những bụi rậm, tìm gốc măng và tìm xem những khe đất nứt vì nơi đó sẽ có những đọt măng non chưa vượt khỏi mặt đất. Những ngọn măng non như thế ăn sẽ vừa ngọt vừa thơm.
Người Tày Tây Bắc lên rừng tìm măng vầu đến cả ngày. Đến gần chiều tối mới xuống núi. Măng được để nguyên vỏ và mang ra bán ngay ở chợ chiều. Vì thế, từ bao năm nay, chợ chiều ở Tây Bắc hay chợ phiên Chủ nhật cứ mùa này là tấp nập người bán măng và mua măng vầu.
Măng vầu để nguyên vỏ hoặc bóc sẵn hay đôi khi người ta luộc sẵn để mang bán. Người Tày đi kiếm măng nhưng đào hết mà để chừa lại những ngọn măng mọc cao để nhân rộng diện tích măng và để cho mùa sau có thêm nhiều măng. Vì thế, những vạt măng vầu ở núi rừng Tây Bắc ngày càng xanh tốt.
Mùa măng vầu, ẩm thực ở bản Tày Tây Bắc lại có thêm nhiều món ngon và đậm đà từ măng. Thú nhất là được thưởng thức măng vầu nướng trên bếp lửa chấm với muối ớt. Vị thơm của măng được làm nên bởi than củi, lửa hồng và vị ngọt của măng non. Rồi người Tày luộc măng vầu đã ngăm ngăm đắng sau đó chấm với mẻ chua chưng với một vài con cá suối, một món ăn khó lòng quên được.
Măng vầu được thái lát xào với củ kiệu tươi hoặc được lát mỏng để làm món nem măng với thịt gà ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng. Người ta còn đào củ giềng già bào nhẹ trên thân cây song tua tủa gai thành từng sợi nhỏ, trộn lẫn muối tạo thành món chấm khá ngon cho măng vầu luộc.
Cây vầu đã gắn bó sâu nặng với đồng bào Tày Tây Bắc, hiện hữu trong sinh hoạt đời thường cũng như các hoạt động văn hóa của họ. Đến Tây Bắc vào mùa nào, cũng thấy những núi vầu bạt ngàn xanh tốt.