Ồ ạt trồng cây quế ở Điện Biên, cây giống tự mua trôi nổi, mạnh ai nấy trồng
06/09/2022 22:24
Điện Biên - Dù chưa có thông tin đầy đủ về quy hoạch vùng trồng và các thông tin về chế biến, thị trường, đầu ra cho sản phẩm từ cây quế, nhưng thời gian qua, người dân ở nhiều bản, xã của tỉnh Điện Biên đã ồ ạt trồng quế. Thực tế này đang gióng hồi chuông cảnh báo nhiều hệ lụy và thiệt hại cho những người trồng quế tự phát.
Đưa chúng tôi đi thăm nương quế của gia đình anh Giàng A Vả ở bản Xi Ma 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Bí thư Đảng ủy xã Chung Chải Pờ Xè Chừ cho biết: Nương quế của gia đình anh Vả có diện tích hơn 1ha, là một trong những nương đầu tiên trồng quế tại địa bàn xã. Toàn bộ kinh phí mua cây giống, phân bón do gia đình chủ động.
Cây quế giống tự mua, mạnh ai nấy trồng
Cùng bản Xi Ma 2, có gia đình anh Vừ Phá Chí cũng đã bỏ tiền mua cây quế giống ở Yên Bái về trồng. Anh Chí cho biết: Tôi có người quen ở Lào Cai, Yên Bái đều trồng quế cho nguồn thu ổn định mỗi năm. Thấy vậy, tôi hỏi và được mọi người giới thiệu nơi bán cây quế giống.
Về kỹ thuật thì tôi chỉ được nghe người bán cây hướng dẫn là trồng cây cách cây 1,5m; khi cây bén rễ mới bắt đầu bón phân.
Ngày ngày đi qua nương quế của gia đình anh Vả, anh Chí thấy cây lên xanh tốt, một số gia đình ở các bản Pá Lùng, Nậm Vì đã học tập làm theo. Bởi thế, sau gần hai năm kể từ ngày cây quế đầu tiên được trồng ở Chung Chải đến nay, toàn xã đã có 12,9ha quế. Tất cả kinh phí mua cây giống, phân bón đều do người dân tự đầu tư.
Cũng trong địa bàn huyện Mường Nhé, từ năm 2016 xã Mường Toong có nhiều hộ dân ở các bản: Huổi Ping, Mường Toong 1, Mường Toong 3 mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên nương sang cây quế. Đến nay, toàn xã Mường Toong có 23ha quế được trồng phân tán.
Tại xã Phu Luông, huyện Điện Biên, tình trạng người dân trồng cây quế kiểu tự phát cũng bắt đầu “nóng” lên. Đáng lo ngại là thông tin bất nhất về nguồn gốc cây giống mà người trồng quế và cả đại diện của đơn vị cung cấp cho người dân trồng tại hai xã: Phu Luông, Mường Lói khi làm việc với chính quyền địa phương.
Qua tập hợp thông tin từ nhân dân trên địa bàn, UBND xã Phu Luông có báo cáo: Từ năm 2021, Hợp tác xã Hưng Phúc (trụ sở tại xã Phu Luông) đã bắt đầu bán cây quế giống cho 15 gia đình ở 5 bản: Huổi Cảnh, Na Há, Xẻ, Xôm, Kham Pọm, với giá 3.000 đồng/cây nhưng người dân chỉ phải trả trước 2.000 đồng/cây, số tiền còn lại (1.000 đồng) thì Hợp tác xã cho nợ đến khi thu hoạch sản phẩm cây quế.
Lãnh đạo Huyện ủy Mường Nhé kiểm tra chất lượng cây quế do người dân xã Chung Chải trồng tại địa bàn.
Sang năm 2022, Hợp tác xã Hưng Phúc tiếp tục bán cây quế giống cho 26 gia đình ở các bản này vẫn giá 3.000 đồng/cây với điều kiện người dân phải thanh toán trước 1.500 đồng/cây giống; số tiền mua cây giống còn lại (1.500 đồng) được nợ tới khi thu hoạch sản phẩm quế mới phải thanh toán hết. Tổng cây quế giống người dân trong xã đã mua của Hợp tác xã Hưng Phúc trong hai năm lên tới 200.600 cây.
Thông tin, số liệu được UBND xã Phu Luông tổng hợp rõ ràng, vậy nhưng khi làm việc với UBND xã cùng đại diện Đồn biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc, Công ty TNHH mắc ca Mường Then vào ngày 18/7/2022, ông Bùi Văn Hưng, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Hưng Phúc lại khẳng định: “Hợp tác xã không bán cây quế giống cho người dân xã Phu Luông mà chỉ bán cây giống sang xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La”. Còn về nguồn gốc cây giống được người dân trồng trên địa bàn, ông Hưng cũng trả lời: “Không biết người dân đã mua từ đâu...?!”.
Số liệu chưa có, thông tin mơ hồ!
Thực trạng người dân trồng quế kiểu phong trào tự phát, trong khi chưa nắm rõ nguồn gốc, chất lượng và sự phù hợp của cây trồng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đã vào cuộc làm việc với các đơn vị, người dân liên quan.
Phó Chủ tịch UBND xã Phu Luông Lường Văn Bình cho biết: Với người dân hai xã Phu Luông và Mường Lói thì quế là cây trồng mới, lại được đưa vào trồng tự phát kiểu “người này rỉ tai người kia”.
Quá trình trồng, họ cũng chỉ làm theo thói quen, kinh nghiệm chứ không hiểu gì về kỹ thuật đào hố, khoảng cách cây, thời gian bón phân, chăm sóc... Thêm vào đó là quy trình chế biến, tiêu thụ người dân cũng không biết, ngoài lời cam kết của Hợp tác xã Hưng Phúc-đơn vị cung ứng cây giống cho người dân là “sau này sẽ bao tiêu sản phẩm từ cây quế”.
Với huyện biên giới Mường Nhé thì việc người dân (chủ yếu đồng bào dân tộc H’Mông) chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống trên đất nương bạc màu sang trồng quế là tín hiệu mừng cho sự chuyển đổi ý thức sản xuất, tinh thần tự lực vươn lên. Song xuất phát từ sự tự thay đổi, tự trồng nên chỉ sau thời gian ngắn cây quế bén rễ trên đất nương Mường Nhé thì người dân bắt đầu lo lắng.
Anh Vừ Phá Chí, người dân bản Xi Ma 2, xã Chung Chải cho biết: Tôi mua cây giống của người bán bên Yên Bái theo hình thức chuyển tiền-chuyển cây, thế nên cây về đến nơi là tôi đem trồng mà không hay biết có cây quế giả.
Mãi tháng 6 vừa qua có cán bộ nông nghiệp về thăm vườn, kiểm tra thì tôi mới biết có khá nhiều cây quế giả trên nương. Tính sơ sơ tiền giống, phân bón và công trồng, nhà tôi thiệt hại gần 10 triệu đồng. Với anh Giàng A Vả thì lo lắng nhiều hơn! Bởi cùng lúc phát hiện cây quế giả trên nương, anh Vả còn phát hiện bệnh hại trên cây quế mà thuốc chữa bệnh cho cây ở Chung Chải không nhà nào có bán.
Trao đổi với Chi cục trưởng Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên) Mai Hương về diện tích, địa bàn trồng quế trong toàn tỉnh Điện Biên, chúng tôi chỉ có được thông tin ít ỏi.
Bà Mai Hương cho biết: Người dân một số huyện, như: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé và huyện Điện Biên đã trồng quế theo hình thức trồng cây phân tán, tự phát; hiện Chi cục chưa có số liệu thống kê diện tích trồng quế trong toàn tỉnh. Về nguồn gốc, chất lượng cây giống, đơn vị cung ứng cũng chưa được các địa phương và ngành chức năng thống kê cụ thể.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cây quế là một trong 20 cây trồng lâm nghiệp theo Quyết định số 30/2018/TTBNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc phát triển phải tuân thủ theo Nghị định 27/2021/NĐ-CP về quản lý giống cây lâm nghiệp.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ theo chuỗi đối với giống các loài cây trồng lâm nghiệp chính, khuyến khích thực hiện đối với các giống cây trồng lâm nghiệp khác, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống; không phát triển ồ ạt, gây ảnh hưởng đến cây trồng khác, lãng phí, xâm hại nguồn tài nguyên đất, khí hậu.
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Dù chưa có thông tin đầy đủ về quy hoạch vùng trồng và các thông tin về chế biến, thị trường, đầu ra cho sản phẩm từ cây quế, nhưng thời gian qua người dân ở nhiều địa phương của tỉnh Điện Biên đã ồ ạt trồng quế. Thực tế cho thấy, trồng cây lâm nghiệp theo đúng quy hoạch sẽ phát huy hiệu quả rất lớn, mang lại giá trị cao.
Ngược lại, nếu phát triển quá “nóng” sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, rủi ro. Vì vậy, để phát triển bền vững cây trồng lâm nghiệp, yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân sản xuất theo quy hoạch, kiểm tra việc thực hiện và có những điều chỉnh phù hợp thực tế...
Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh thông tin thị trường, gia tăng cảnh báo rủi ro để người dân không chạy theo phong trào, phá vỡ quy hoạch chung. Ở những vùng không quy hoạch trồng cây lâm nghiệp, các cơ quan chức năng cần chủ động trong việc hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp, phát triển ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu (Sơn La), chị Lường Thị Lan không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong công tác Hội mà còn là một trong những người đi đầu phát triển kinh tế trang trại, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.
Bị cáo Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên nhận hối lộ hơn 4,4 tỉ đồng và 16 bị cáo khác bị đưa ra xét xử trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2.
Sau hơn 10 năm triển khai, dự án xây dựng hạ tầng Khu dân cư số 1 (TP Thái Nguyên) ì ạch tiến độ, hàng chục nghìn m2 đất vàng lâm cảnh nhếch nhác, hoang tàn.
Năm nay, một doanh nghiệp FDI dự kiến nộp thuế khoảng 1.017 tỷ đồng, tuy nhiên tính đến ngày 17/12 công ty phát sinh số thuế phải nộp là 703 tỷ đồng, đến cuối năm có thể nộp thêm được 15 tỷ đồng, hụt thu gần 300 tỷ đồng.
Căn nhà xiêu vẹo, dột nát là nơi 3 thế hệ trong gia đình ông Tân đang sinh sống. Vợ bệnh tật, kinh tế gia đình chỉ dựa vào nương ngô nên cái nghèo mãi đeo bám gia đình ông. Ở tuổi “xưa nay hiếm” ông Tân vẫn khát khao có được một ngôi nhà kiên cố để tránh mưa gió.
Ngày 23.12, Ninja Van Việt Nam đã hoàn thành chuyến xe chuyên chở 4.163 sản phẩm mặc ấm đến trẻ em khó khăn tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, thuộc khuôn khổ dự án “Áo ấm cho em” do Coolmate phát động. Dự án hướng đến trao tặng 100.000 sản phẩm giữ ấm cho trẻ em từ 4 đến 13 tuổi tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Không có giấy tờ khai thác khoáng sản (đất làm gạch), nhưng Công ty TNHH Thành Quý, có địa chỉ số 666, tổ 12, Phường Phùng Chí Kiên, Thành phố Bắc Kạn vẫn ngang nhiên khai thác đất trái phép chở về nhà máy gạch Tuynel Chợ Đồn.