Đưa chúng tôi đi thăm nương quế của gia đình anh Giàng A Vả ở bản Xi Ma 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Bí thư Đảng ủy xã Chung Chải Pờ Xè Chừ cho biết: Nương quế của gia đình anh Vả có diện tích hơn 1ha, là một trong những nương đầu tiên trồng quế tại địa bàn xã. Toàn bộ kinh phí mua cây giống, phân bón do gia đình chủ động.
Cùng bản Xi Ma 2, có gia đình anh Vừ Phá Chí cũng đã bỏ tiền mua cây quế giống ở Yên Bái về trồng. Anh Chí cho biết: Tôi có người quen ở Lào Cai, Yên Bái đều trồng quế cho nguồn thu ổn định mỗi năm. Thấy vậy, tôi hỏi và được mọi người giới thiệu nơi bán cây quế giống.
Về kỹ thuật thì tôi chỉ được nghe người bán cây hướng dẫn là trồng cây cách cây 1,5m; khi cây bén rễ mới bắt đầu bón phân.
Ngày ngày đi qua nương quế của gia đình anh Vả, anh Chí thấy cây lên xanh tốt, một số gia đình ở các bản Pá Lùng, Nậm Vì đã học tập làm theo. Bởi thế, sau gần hai năm kể từ ngày cây quế đầu tiên được trồng ở Chung Chải đến nay, toàn xã đã có 12,9ha quế. Tất cả kinh phí mua cây giống, phân bón đều do người dân tự đầu tư.
Cũng trong địa bàn huyện Mường Nhé, từ năm 2016 xã Mường Toong có nhiều hộ dân ở các bản: Huổi Ping, Mường Toong 1, Mường Toong 3 mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên nương sang cây quế. Đến nay, toàn xã Mường Toong có 23ha quế được trồng phân tán.
Tại xã Phu Luông, huyện Điện Biên, tình trạng người dân trồng cây quế kiểu tự phát cũng bắt đầu “nóng” lên. Đáng lo ngại là thông tin bất nhất về nguồn gốc cây giống mà người trồng quế và cả đại diện của đơn vị cung cấp cho người dân trồng tại hai xã: Phu Luông, Mường Lói khi làm việc với chính quyền địa phương.
Qua tập hợp thông tin từ nhân dân trên địa bàn, UBND xã Phu Luông có báo cáo: Từ năm 2021, Hợp tác xã Hưng Phúc (trụ sở tại xã Phu Luông) đã bắt đầu bán cây quế giống cho 15 gia đình ở 5 bản: Huổi Cảnh, Na Há, Xẻ, Xôm, Kham Pọm, với giá 3.000 đồng/cây nhưng người dân chỉ phải trả trước 2.000 đồng/cây, số tiền còn lại (1.000 đồng) thì Hợp tác xã cho nợ đến khi thu hoạch sản phẩm cây quế.
Lãnh đạo Huyện ủy Mường Nhé kiểm tra chất lượng cây quế do người dân xã Chung Chải trồng tại địa bàn. |
Sang năm 2022, Hợp tác xã Hưng Phúc tiếp tục bán cây quế giống cho 26 gia đình ở các bản này vẫn giá 3.000 đồng/cây với điều kiện người dân phải thanh toán trước 1.500 đồng/cây giống; số tiền mua cây giống còn lại (1.500 đồng) được nợ tới khi thu hoạch sản phẩm quế mới phải thanh toán hết. Tổng cây quế giống người dân trong xã đã mua của Hợp tác xã Hưng Phúc trong hai năm lên tới 200.600 cây.
Thông tin, số liệu được UBND xã Phu Luông tổng hợp rõ ràng, vậy nhưng khi làm việc với UBND xã cùng đại diện Đồn biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc, Công ty TNHH mắc ca Mường Then vào ngày 18/7/2022, ông Bùi Văn Hưng, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Hưng Phúc lại khẳng định: “Hợp tác xã không bán cây quế giống cho người dân xã Phu Luông mà chỉ bán cây giống sang xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La”. Còn về nguồn gốc cây giống được người dân trồng trên địa bàn, ông Hưng cũng trả lời: “Không biết người dân đã mua từ đâu...?!”.
Thực trạng người dân trồng quế kiểu phong trào tự phát, trong khi chưa nắm rõ nguồn gốc, chất lượng và sự phù hợp của cây trồng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đã vào cuộc làm việc với các đơn vị, người dân liên quan.
Phó Chủ tịch UBND xã Phu Luông Lường Văn Bình cho biết: Với người dân hai xã Phu Luông và Mường Lói thì quế là cây trồng mới, lại được đưa vào trồng tự phát kiểu “người này rỉ tai người kia”.
Lê Lan - Dũng Minh
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/o-at-trong-cay-que-o-dien-bien-cay-giong-tu-mua-troi-noi-manh-ai-nay-trong-a6903.html