Phụ huynh, học sinh cuối cấp lo lắng
Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2, trong đó quy định chỉ cho phép các trường được tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với 3 nhóm đối tượng là học sinh yếu kém, học sinh giỏi và học sinh cuối cấp. Đồng thời, việc dạy thêm cho 3 nhóm này không được thu tiền. Quy định này ít nhiều khiến phụ huynh, học sinh cuối cấp lo lắng.
Chị Dương Thị Dung ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai có con đang học lớp 9. Với mong muốn con thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lào Cai, chị Dung cho con ôn luyện trong trường và các trung tâm ngoài trường học. Chị Dung chia sẻ: Con tôi đang ôn thi các môn Toán, Văn tại trường và tiếng Anh tại trung tâm. Tôi thấy con học tại trường thuận tiện, kiến thức ôn luyện sát với chương trình học, giáo viên cũng nắm được lực học của con nên rất yên tâm. Hiện nay, trường học và các trung tâm đều dừng dạy thêm nên tôi rất lo lắng, không biết con ôn luyện thế nào cho hiệu quả để vượt qua kỳ thi quan trọng sắp tới.

Theo quy định hiện hành, các trường công lập không được tổ chức dạy thêm có thu tiền trong trường.
Anh Nguyễn Hải Đăng ở phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai cho biết: Con nhà tôi đang học cuối cấp để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là năm đầu tiên kỳ thi THPT áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng theo cấu trúc định dạng đề thi vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, tôi vẫn mong muốn con được tham gia lớp ôn thi trong trường để có sự quản lý và thực hiện theo thời khóa biểu của nhà trường.
Em Phạm Minh Dũng ở THCS Bắc Cường cho rằng, hiện Lào Cai chưa công bố môn thi vào lớp 10 nên học sinh phải học đều các môn. Thời gian từ nay đến khi thi không còn nhiều, nếu không học thêm ở trường cũng như trung tâm thì em lo mình không đạt được kết quả cao.

Học sinh lớp 12 Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai ôn luỵện tại trường.
Cùng chung tâm trạng lo lắng cho kỳ thi cuối cấp, Nguyễn Hữu Trọng, học sinh Trường THPT số 2 thành phố Lào Cai tỏ ra lo lắng: Học kỳ trước, chúng em được ôn thi các buổi chiều tại trường với 4 tiết/tuần đối với các môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ nhưng hiện tại giảm còn 2 tiết/tuần. Em lo với khối lượng kiến thức rộng phải chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới thì thời lượng ôn tập như vậy sẽ không đảm bảo.
Không để gián đoạn ôn luyện
Ngay sau khi Thông tư 29 được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã ban hành Công văn số 140/SGD&ĐT-GDTrH ngày 22/1/2025 để triển khai thực hiện. Theo đó yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt đầy đủ nội dung của Thông tư 29 tới cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trong trường để thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm. Đồng thời, nghiên cứu thực hiện các giải pháp chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục.
Thầy giáo Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: Việc tạm dừng tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường ảnh hưởng việc thực hiện kế hoạch giáo dục của các trường, do đó, ngành giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, đối với những lớp cuối cấp, để có thời gian hướng dẫn học sinh ôn tập, tạo tâm lý yên tâm cho học sinh và cha mẹ học sinh; đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên giờ dạy chính khóa nhằm ngăn chặn tình trạng dạy không đủ kiến thức, khiến học sinh phải đi học thêm.

Các cơ sở giáo dục tìm giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.
Thầy giáo Vương Quang Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai chia sẻ: Nhà trường đã tổ chức hội nghị quán triệt đầy đủ nội dung Thông tư 29 và các văn bản liên quan đến toàn thể cán bộ, giáo viên. Để tạo tâm lý yên tâm cho học sinh cuối cấp, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai cho học sinh đăng ký học thêm các môn dự thi tốt nghiệp không thu tiền tại trường vào buổi chiều.
Thầy giáo Trọng cho biết thêm: Với học sinh khá, tốt có thể hướng dẫn phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên, với học sinh còn yếu, thiếu động lực, giáo viên cần dành thời gian tương tác trên lớp, giúp đỡ nhiều hơn để các em hệ thống hóa kiến thức và tự tin hơn khi kỳ thi THPT đến gần.

Giáo viên Trường THPT số 2 Bát Xát ôn thi miễn phí cho học sinh khối lớp 12.
Theo chia sẻ của thầy giáo Phạm Thanh Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng: Sớm nắm bắt tinh thần của Thông tư 29, nhà trường đã chủ động cho học sinh nghỉ học thêm buổi chiều từ ngay sau tết Nguyên đán. Trong tuần đầu tiên triển khai Thông tư 29, các hoạt động giáo dục đã nhanh chóng đi vào nền nếp.
Trái ngược với sự vắng lặng tại khu vực lớp học, sân thể thao nhộn nhịp hơn với các tiết học Giáo dục quốc phòng, các hoạt động giáo dục thể chất, sinh hoạt câu lạc bộ. Đây là cách giúp các em ổn định tâm lý, “tái tạo năng lượng” để học tập tốt hơn. Riêng đối với 288 học sinh khối 12, nhà trường hướng dẫn học sinh tự học, giao nhiệm vụ học tập - hướng dẫn - kiểm soát việc học của học sinh trên hệ thống OLM; tăng cường trao đổi kiến thức, chuyên môn, rèn luyện kĩ năng cho học sinh...

Học sinh Trường THPT số 2 Bảo Thắng tham gia sinh hoạt câu lạc bộ vào các buổi chiều thay vì học thêm như trước đây.
Trường THCS Kim Đồng, thị xã Sa Pa có 165 học sinh lớp 9. Theo thông tư mới, trường sẽ tổ chức ôn tập miễn phí. Mỗi giáo viên chỉ dạy từ 1 - 2 lớp trong 2 tuần nên số tiết không nhiều. Đối với học sinh học lực yếu, giáo viên sẽ ôn tập trên lớp hoặc qua phần mềm OLM để bảo đảm kiến thức cho các em. "Nhà trường xây dựng kế hoạch dạy phụ đạo miễn phí cho ba đối tượng là: Nhóm có kết quả học tập môn học cuối kỳ chưa đạt; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn luyện. Theo kế hoạch, học sinh được đăng ký tham gia ôn tập miễn phí. Việc tham gia học thêm trên tinh thần tự nguyện. Nhà trường tổ chức bồi dưỡng các môn với thời lượng mỗi tuần 2 tiết” - thầy giáo Nguyễn Khắc Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Việc dừng dạy thêm đòi hỏi học sinh cần tăng cường kỹ năng tự học, tự ôn luyện.
Thời điểm này, các em học sinh lớp cuối cấp đang tích cực ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THCS và THPT năm 2025. Ngoài các lớp học miễn phí, học sinh còn có thể tận dụng các tài nguyên học tập trực tuyến. Việc này giúp các em mở rộng nguồn tài liệu và cách thức học tập. Bên cạnh việc tổ chức các buổi ôn luyện miễn phí, các trường cũng đang hỗ trợ học sinh bằng cách cung cấp tài liệu, sách giáo khoa và các tài nguyên học tập khác, giúp học sinh tiết kiệm thời gian và đủ nguồn lực để chuẩn bị cho kỳ thi.