
Cơ hội lớn để chuẩn hóa đội ngũ thú y cơ sở
Chia sẻ tại hội thảo tham vấn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chăn nuôi và giám sát dịch bệnh dịch bệnh động vật diễn ra ngày 20/3 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) phối hợp Viện Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức, bà Cao Thị Hòa Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho hay: Với chủ trương giảm cấp huyện, sáp nhập cấp xã, tỉnh Lào Cai dự kiến sẽ tinh giản từ 200 xã xuống còn khoảng 20 xã. Đây là cơ hội lớn cho địa phương phân bổ nguồn lực, chuẩn hóa đội ngũ thú y cơ sở.
Bà Bình cũng đề cập đến Nghị quyết 57/NQ-TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, trong đó xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những đột phá quan trọng. Tại Lào Cai, khi hệ thống tinh gọn, số lượng cán bộ giảm trong khi phạm vi quản lý ngày càng rộng, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ chính là giải pháp duy nhất để đảm bảo hiệu quả tổ chức và quản lý của ngành nông nghiệp.
Theo bà Bình, các hộ chăn nuôi ở miền núi thường nhỏ lẻ và phân tán, nên cán bộ thú y cơ sở gặp không ít khó khăn để tiếp cận họ. Theo đó việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp tăng cường kiểm soát dịch bệnh, quản lý chuỗi sản xuất và chăn nuôi. Các cơ quan quản lý thú y và người chăn nuôi có thể truy cập thông tin cập nhật về dịch bệnh, hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và kiểm soát kịp thời các dịch bệnh xuyên biên giới và bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Tuy nhiên theo bà Bình, hiện nay việc triển khai giải pháp công nghệ còn bấp cập. Cụ thể, trong khi ứng dụng FarmVetCare hỗ trợ giám sát dịch bệnh động vật ở cấp trang trại và cấp xã thì Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS) phục vụ quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Do đó, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai đề xuất: Từ hai nền tảng trên, mong rằng các nhà quản lý và nhà khoa học hãy thảo luận để đưa ra một hệ thống hoàn thiện, trải dài từ Trung ương đến cơ sở giúp việc vận hành hệ thống đạt hiệu quả cao hơn.
Cũng theo bà Bình, Lào Cai sẵn sàng đồng hành trong việc triển khai các giải pháp công nghệ. Nhưng để hệ thống vận hành tốt, cần tổ chức tập huấn, nâng cấp trang thiết bị và hoàn thiện hạ tầng thông tin, đảm bảo khả năng hoạt động đồng bộ trên toàn địa bàn.

Phấn đấu đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/người/năm
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai tiếp tục có nhiều điểm sáng, tích cực. Tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 7,38%, cao hơn năm 2023 (5,11%); GRDP bình quân đầu người đạt 97,5 triệu đồng, tăng 8,9 triệu đồng so với năm 2023.
Quy mô kinh tế ước đạt 78.000 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2023. Tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu ước đạt 3,625 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,65%; lượng khách du lịch ước đạt 7,8 triệu lượt khách, tăng 8%; tổng nguồn vốn tín dụng ước đạt 70.800 tỷ đồng, tăng 10%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng của bão số 3, nhưng vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch.
Đặc biệt, Lào Cai luôn nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước, năm 2024 ước đạt 120,6% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước ước cả năm đạt 12.800 tỷ đồng, vượt 39,5% dự toán trung ương giao và tăng 35,9% so với năm 2023.
Công tác xây dựng nhà ở xã hội được triển khai tích cực (trong đó đã và đang thực hiện 06 dự án với quy mô 4.851 căn hộ, đạt 63% mục tiêu Đề án Chính phủ giao đến năm 2030); công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà bị ảnh hưởng của bão số 3 được thực hiện quyết liệt (đến nay đã thực hiện được khoảng 5.397 nhà, đạt 50% kế hoạch). Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Năm 2025, tỉnh Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đạt 4%; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm từ 7%/năm trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 4,6%/năm trở lên. Thu nhập bình quân người dân toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 112 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân người dân của các huyện nghèo đạt trên 46,5 triệu đồng/năm.
Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề đạt 57,3%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%. Phấn đấu 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; toàn tỉnh có 84/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 27/84 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…