Mong ngóng từ Huổi Toóng

06/06/2022 00:27

Điện Biên - Đã nhiều năm được cảnh báo phải di dời khẩn cấp vì nằm trong vùng sạt trượt nguy hiểm, song gần 100 gia đình dân tộc H’Mông ở bản Huổi Toóng 1 và Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) vẫn không thể chuyển đi vì chưa có mặt bằng. Dự án di chuyển dân của chính quyền địa phương mới bắt đầu ở khâu khảo sát…

Niềm đau dưới chân núi Chống Pua Tò

Chiều 26/5 (hơn một ngày sau vụ sạt núi làm cháu Thào Minh Cường ở Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng tử vong) chúng tôi có mặt tại hiện trường. Nhưng tại đây, chúng tôi không thấy dấu tích nào còn sót lại của một ngôi nhà bởi hàng nghìn m3 đất đá từ sườn núi Chống Pua Tò đổ xuống đã vùi lấp tất cả. Nền quốc lộ 12 lũng sũng bùn đất. Trên mái và tường hàng chục ngôi nhà của người dân bản Huổi Toóng 2 cũng bê bết đất và bùn.

Kể về đêm mưa định mệnh đối với cháu bé xấu số và người dân hai bản Huổi Toóng 1, Huổi Toóng 2, bà Mùa Thị Lỳ, người dân bản Huổi Toóng 1, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, vẫn như chưa hết bàng hoàng, lo sợ. Giọng bà Lỳ ngắt quãng: Hơn 9 giờ tối ngày 24/5, chúng tôi đang ở trong nhà thì nghe ầm ầm dội xuống. Tôi hét to giục con cháu chạy ra ngoài. Ngoài trời mưa tầm tã; đêm đen như mực. Mãi lúc sau mới nghe tiếng người hô hoán “Đất đổ sập nhà Vê; mau cứu người, cứu người!”.

Có mặt tại nhà anh Vê ngay khi nghe tin lở núi, ông Thào A Phừ, Chủ tịch UBND xã Huổi Lèng, đã yêu cầu đàn ông, thanh niên trai tráng trong bản, trong xã dốc sức tìm người. Điện không; đèn pin người có người không vậy mà người nào người ấy vẫn cố sức bới đất đưa vợ con anh Vê là chị Dung, cháu Cường ra khỏi đống đổ nát. Nhưng khi xe cấp cứu đưa hai người đến xã Sa Lông thì cháu Cường tắt thở rồi. “Khi mọi người tìm thấy Cường dưới đống đất thì cháu không còn biết gì, thế mà cái điện thoại cháu cầm chơi lúc trước vẫn sống. Ở chân núi đất đổ xuống ầm ầm nhanh lắm!”, ông Phừ kể cho chúng tôi nghe mà giọng nghẹn ngào.

Đưa chúng tôi đến thăm 8 gia đình ở bản Huổi Toóng 1 và Huổi Toóng 2 đang thu dọn đồ đạc để chuyển đến nhà người thân ở nhờ, ông Thào A Phừ cho biết: Hai bản có 98 gia đình thuộc diện phải di dời khỏi vùng nguy cơ sạt lở do thiên tai. Trong số đó, hiện có 9 gia đình phải di dời khẩn cấp, bởi nguy cơ núi lở hiện hữu từng ngày. Chỉ tay về phía dãy núi Chống Pua Tò, ông Phừ bảo dọc theo triền núi ấy có vết nứt rộng gần một mét xuất hiện đã mấy năm rồi. Mỗi mùa mưa đến, hàng trăm con người dưới chân núi lại lo lắng mất ăn mất ngủ. Và rồi, cái sự lo lắng ấy đã trở thành niềm đau hiện hữu khi hàng trăm người đầu bạc tiễn người đầu xanh dưới cơn mưa tầm tã. Tâm can mỗi người đang bời bời nỗi lo lẫn cả niềm thương nhớ. Bởi không phải chỉ hôm nay, đời này mà muôn năm trước ông, cha họ đã sống bình yên dưới núi Chống Pua Tò. Khi phải rời đi, họ cũng buồn thương lắm!

Mong mỏi mỗi ngày

Bấm đốt ngón tay, ông Phừ nhẩm tính, hơn 7 năm rồi kể từ khi núi lở vào năm 2015 đến nay, không khi nào người dân hai bản Huổi Toóng an tâm được. Nhắc chuyện lở núi năm 2015, ông Phừ khẽ nói: May mắn không chết người, nhưng suốt từ bấy đến nay mỗi ngày qua đi, mỗi tháng qua đi và mỗi năm qua đi người dân bản Huổi Toóng luôn sống với nỗi niềm lo lắng, mong mỏi. Bởi vậy, mỗi lần họp bản, họp xã bà con đều ý kiến các cấp, các ngành quan tâm sớm cho người dân Huổi Toóng di dời sang nơi khác để bà con yên tâm sinh sống, sản xuất. Mới đây khi các đồng chí lãnh đạo UBND huyện Mường Chà về nắm tình hình thực trạng, bà con dân bản Huổi Toóng lại khẩn thiết đề nghị sớm được chuyển đi vì hiểm nguy hiện hữu, khi mỗi ngày trời vẫn không thôi trút những cơn mưa…

Thừa nhận thực trạng nguy cơ sạt lở nghiêm trọng tại hai bản Huổi Toóng và khu vực trung tâm xã Huổi Lèng, ông Vũ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Huyện đã nhiều lần khảo sát, lập dự án di chuyển bảo đảm an toàn cho người dân hai bản Huổi Toóng nhưng vì giai đoạn 2016-2020 không bố trí được vốn nên chuyển sang giai đoạn 2021-2025 bố trí vốn từ Nghị quyết 88 ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hiện tại, dự án chuyển dân Huổi Toóng đã được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tiên, dự kiến khởi công năm 2022 nhưng hiện chưa được bố trí nguồn vốn... cho nên huyện tính đến phương án đề nghị bố trí trước 15 tỷ đồng làm mặt bằng, hạ tầng cho 50 hộ vùng nguy hiểm di chuyển trước; sau đó sẽ bố trí thêm 20 tỷ đồng để tiếp tục di chuyển các gia đình còn lại trong tổng số 98 gia đình ở hai bản.

Như thông tin lãnh đạo UBND huyện Mường Chà cung cấp, thì tới đây sẽ có mấy chục gia đình ở hai bản Huổi Toóng được di chuyển tránh nguy cơ sụt trượt. Nhưng với những gì đã xảy ra vào đêm 24/5 ở bản Huổi Toóng 2 và nguy cơ sụt sạt hiện hữu mỗi ngày khi mùa mưa Tây Bắc mới bắt đầu, thì chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn thực hiện các giải pháp di chuyển dân khẩn cấp.

Lê Lan
Bạn đang đọc bài viết "Mong ngóng từ Huổi Toóng" tại chuyên mục Đời sống.