Hàng loạt vi phạm về đầu tư tại Điện Biên

28/05/2022 22:56

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020; việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư; việc chấp hành pháp luật về đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 tại tỉnh Điện Biên.

uhbh-1653753309.jpeg
 

Không giải ngân hết vốn đầu tư công

Theo Bộ KH&ĐT, trong giai đoạn 2016-2020, việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Điện Biên được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, trong quá trình lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án (DA) đầu tư thực hiện theo các quy định hiện hành vẫn còn để xảy ra một số tình trạng như: 2/23 DA gồm DA đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Nậm Pồ và DA đầu tư xây dựng điểm tái định cư số 3 và bổ sung điểm tái định cư C13 mở rộng DA nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên phê duyệt DA đầu tư trước khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa phù hợp với quy định.

Có 5/25 DA chưa kịp thời phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện DA khi thời gian thực hiện DA vượt quá thời gian được phê duyệt trong quyết định đầu tư gồm: DA Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ giai đoạn 2; DA đường dạo, leo núi khu du lịch Pá Khoang; DA đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Chiến thắng Him Lam (giai đoạn 1); DA xây dựng công trình: Nâng cấp, sửa chữa Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Điện Biên (giai đoạn 2); DA đường nội thị giai đoạn 1 (trục 42m) huyện Mường Ảng.

Theo Bộ KH&ĐT, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Điện Biên đã được giao tổng vốn đầu tư công trung hạn là 10.040.095 triệu đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2020 có 689.706 triệu đồng (bằng 6,87% vốn được giao) chưa giải ngân phải hủy bỏ và hoàn trả hoặc chuyển nguồn sang năm 2021, cụ thể: Có 354.573 triệu đồng (505 DA, nội dung đầu tư) không giải ngân được kế hoạch vốn và phải chuyển nguồn sang năm 2021; có 335.133 triệu đồng (700 chương trình, DA, nội dung đầu tư) đã bố trí vốn nhưng đến hết niên độ ngân sách không giải ngân được phải huỷ bỏ.

“Trong điều kiện nguồn lực đầu tư công còn hạn chế nhưng có nhiều DA không tận dụng hết nguồn vốn, không giải ngân hết vốn được giao. Việc không giải ngân hết hoặc chậm giải ngân vốn kế hoạch dẫn đến phải hủy bỏ, chuyển nguồn sang năm sau đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công”, kết luận nêu.

Bố trí vốn quá thời gian quy định

Kiểm tra cho thấy, 19 DA được đưa vào danh mục bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. 4 DA nhóm B bố trí vốn từ 9-15 năm và 30 DA nhóm C bố trí vốn từ 4-15 năm. Việc bố trí vốn quá thời gian như trên là chưa phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ quy định vế kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Đến thời điểm thanh tra (tháng 6/2021) còn 10 DA được tạm ứng vốn nhưng chưa thực hiện bố trí vốn để thu hồi tạm ứng theo quy định tại Thông tư số 162/2012/TT-BTC ngày 03/10/2012. Tổng số vốn tạm ứng quá thời hạn thu hồi theo quy định nhưng chưa được bố trí để thu hồi tại các DA này là hơn 67,3 tỷ đồng.

Về công tác quyết toán DA hoàn thành, kết luận chỉ ra có 1.015 DA chậm thực hiện quyết toán (chiếm 18,17% tổng số DA hoàn thành), trong đó: Số DA chậm thực hiện quyết toán dưới 24 tháng là 483 DA; số DA chậm thực hiện quyết toán trên 24 tháng là 532 DA. Trong số các DA chậm quyết toán có 65 DA hoàn thành từ năm 2005 đến 31/12/2014 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán.

Việc các chủ đầu tư chậm thực hiện quyết toán DA hoàn thành dẫn đến không tất toán được tài khoản DA, không kịp thời hạch toán tài sản tăng, là nguyên nhân gây nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài và khó khăn cho công tác theo dõi, quản lý tài sản Nhà nước sau đầu tư.

Kết luận cũng chỉ ra, công tác giám sát, đánh giá đầu tư được UBND tỉnh thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, phần lớn các chủ đầu tư không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện DA đầu tư hàng tháng, quý theo quy định tại Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18/12/2015 của Bộ KH&ĐT. Số lượng DA được các chủ đầu tư báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư còn thấp (tỷ lệ 41,28%); số DA đã thực hiện kiểm tra trong kỳ đạt 17,76 %; số DA đã thực hiện đánh giá trong kỳ đạt 87,8%.

 

Các DA đầu tư đều “đội vốn”

Thanh tra 23 DA cho thấy, công tác triển khai, thực hiện DA đầu tư vẫn còn những tồn tại, sai sót trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán, công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán, làm tăng giá trị dự toán, giá gói thầu xây lắp hoặc nghiệm thu thanh toán, quyết toán không đúng với giá trị là hơn 419,3 triệu đồng.

Công tác nghiệm thu, thanh quyết toán còn một số khối lượng nhỏ tính sai, tính trùng lặp từ thiết kế chưa loại trừ hết, bù giá vật liệu chưa đúng quy định, làm tăng giá trị nghiệm thu, thanh toán, quyết toán phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 59,8 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 2 DA đầu tư theo hình thức hợp đồng BT: DA Khu dân cư đường 15m từ cầu Al đến cầu C4, thành phố Điện Biên Phủ và DA đường Thanh Minh - đồi Độc lập và khu dân cư vành đai phía Bắc TP Điện Biên Phủ. Qua thanh tra cho thấy, chi phí xây dựng (dự toán xây lắp) tính thừa, tính sai khối lượng so với thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công đóng cọc tre chưa phù hợp, làm tăng chi phí xây dựng với tổng số tiền là hơn 1,8 tỷ đồng.

Đối với việc chấp hành pháp luật về đầu tư, các DA đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Tỉnh chưa chủ động, chưa có kế hoạch xác định cụ thể danh mục các DA có sử dụng đất, dự án khai thác khoáng sản để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện DA có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định và công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh.

Công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong phạm vi quản lý Nhà nước mà chỉ kiểm tra khi có vụ việc hoặc yêu cầu.

Kiến nghị xử lý trên 2,3 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên khắc phục tình trạng phê duyệt DA đầu tư trước khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kịp thời phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện DA khi có sự điều chỉnh thời gian thực hiện DA. Chấn chỉnh công tác lập, phân bổ, bố trí và giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo phù hợp quy định pháp luật về đầu tư công.

Chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan liên quan chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán; công tác lựa chọn nhà thầu; công tác nghiệm thu, thanh toán quyết toán; công tác thực hiện hợp đồng và công tác giám sát, đánh giá đầu tư.

Có trách nhiệm xử lý về kinh tế với tổng số tiền 479,1 triệu đồng.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quản lý hợp đồng BT (Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh Điện Biên) và nhà đầu tư rà soát toàn bộ giá trị dự toán được phê duyệt làm cơ sở ký kết, nghiệm thu, thanh toán họp đồng BT theo đúng quy định, trong đó giảm trừ chi phí xây lắp hơn 1,8 tỷ đồng.

Nguyễn Điểm
Bạn đang đọc bài viết "Hàng loạt vi phạm về đầu tư tại Điện Biên" tại chuyên mục Đời sống.