Xoè là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hoá, đời sống và công việc.
Xoè được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội bản mường truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Có 3 loại hình Xoè: Xoè nghi lễ, Xoè vòng và Xoè trình diễn.
Xoè nghi lễ và xoè trình diễn được gọi tên theo các đạo cụ xử dụng như khăn, nón, gậy, hoa, sạp, nhạc, gậy... Xoè vòng phổ biến nhất với màn đồng diễn mà dòng người Xoè nối thành vòng tròn trong sự hoà đồng tất cả với nhau.
Các động tác cơ bản của Xoè là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng. Người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về phía sau.
Những điệu múa đơn giản nhưng mang biểu trưng cho khát vọng về sức khoẻ và sự hoà hợp cộng đồng. Những nhạc cụ cùng với bài hát, trang phục áo cóm, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái. Xoè được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học.
Xoè được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu. Từ năm 2016, 4 tỉnh trên đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật Xoè Thái" đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Về dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc.
Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. Hơn thế nữa, nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn truyền thống lịch sử các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc.
Phát biểu đáp từ, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái đã đại diện cho ban lãnh đạo cùng toàn thể nhân dân 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên bày tỏ lòng cảm ơn, đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy cũng nhấn mạnh, Yên Bái cùng các tỉnh có di sản sẽ tiếp tục chung sức đồng lòng thực hiện hiệu quả chương trình quốc gia bảo tồn phát huy giá trí di sản "Nghệ thuật Xoè Thái" cùng các di sản khác.
Tất cả sẽ thực hiện theo phương châm lấy người dân làm trung tâm, chủ thể của các hoạt động. "Biến di sản thành tài sản" phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của mỗi địa phương và của đất nước, tạo sức sống mới hơn cho di sản.
Cũng tại buổi lễ, ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái bày tỏ niềm xúc động khi "Nghệ thuật Xòe Thái” trở thành di sản văn hoá của nhân loại.
Theo ông Tuấn, Xoè là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, được hình thành và phát triển cùng với cộng đồng người Thái; phản ánh sự đa dạng văn hóa, mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết; là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở khu vực Tây Bắc.
"Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh di sản với sức sống mãnh liệt; tôn vinh và tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại", ông Trần Huy Tuấn nói.
Một số hình ảnh tại đêm UNESCO ghi danh nghệ thuật Xoè Thái
Tại Kỳ họp lần thứ 16 (tháng 12.2021) của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.