Lào Cai, Yên Bái ghi nhận nhiều chùm ca bệnh thủy đậu tại trường học

17/03/2024 18:09

Chỉ trong thời gian ngắn, Trung tâm Y tế các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai và Yên Bái ghi nhận nhiều chùm ca bệnh thủy đậu, trong đó 1 trường hợp đã tử vong.

thuy-dau-1-1710673228.jpg
Cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân thủy đậu tại hộ gia đình. Ảnh: Phương Hiền

Ngày 6.3, Trường Tiểu học thôn Làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai xuất hiện một học sinh mắc bệnh thủy đậu với các triệu chứng điển hình như sốt kèm theo các nốt phỏng ở bụng và lưng.

Do học sinh này từng tiếp xúc với ca bệnh thủy đậu trong cộng đồng trước đó nên đến nay dịch bệnh đã lây lan sang khoảng 30 học sinh.

Cùng thời điểm này, huyện Bắc Hà và Bảo Yên cũng ghi nhận các ca mắc thủy đậu là học sinh và giáo viên trong trường học. Trong đó, Trường Mầm non xã Điện Quan, huyện Bảo Yên ghi nhận 24 ca bệnh (gồm 1 giáo viên, 23 học sinh) và Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Mòn 1, huyện Bắc Hà ghi nhận 23 học sinh mắc bệnh thủy đậu.

Ông Trần Xuân Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết: Ngay sau khi có các điểm dịch mắc bệnh thủy đậu xảy ra trên địa bàn, đơn vị đã cử cán bộ giám sát trực tiếp, chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các ổ dịch, phát hiện các ổ dịch mới, theo dõi các ổ dịch cũ, tiến hành đồng loạt biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

thuy-dau-2-1710673437.jpg
Các trường học vùng cao tăng cường các biện pháp phòng dịch như vệ sinh lớp học, đồ dùng của học sinh. Ảnh: Phương Hiền

Tương tự, tại tỉnh vùng cao Yên Bái đã ghi nhận 69 ca mắc bệnh thủy đậu; tập trung nhiều ở thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, trong số 2 ổ dịch thủy đậu trên địa bàn, đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong với chẩn đoán thủy đậu - viêm phổi nặng - suy gan cấp.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái khuyến cáo, những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da, người bệnh cần tắm nước ấm, lau rửa thân thể nhẹ hàng, tránh làm vỡ bọng nước hay trầy xước da, thay quần áo hàng ngày. Người bệnh thủy đậu nên lựa chọn những bộ trang phục rộng rãi, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi để tránh cọ sát làm vỡ những vết mụn nước khiến dịch lây lan ra những vùng da xung quanh.

Đặc biệt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám nếu có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì.

Theo nhận định của ngành y tế, thời gian tới, khí hậu thay đổi, chuẩn bị vào mùa nóng ẩm, đây là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây bệnh; đặc biệt ở các trường học, trẻ em là nhóm đối tượng nguy cơ cao, sức đề kháng yếu nên rất dễ bị lây bệnh, nguy cơ xuất hiện thêm các ca mắc trên địa bàn.
 
Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, các trường học cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng dịch như vệ sinh lớp học, đồ dùng của học sinh. Khi phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh phải báo ngay cho trạm y tế để có biện pháp xử lý.

 

Bảo Nguyên