Thành lập năm 2002, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được Quỹ môi trường toàn cầu xếp loại A (cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam) và được Tổ chức Bảo tồn đa dạng sinh học ASEAN công nhận là Vườn Di sản ASEAN vào năm 2003.
Với độ cao từ 1.000 - 3.000 m so với mặt nước biển, Vườn Quốc gia Hoàng Liên có nhiều đỉnh núi cao, trong đó cao nhất là đỉnh Fansipan, được ví như “Nóc nhà Đông Dương”. Nơi đây có những cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp với thảm thực vật, hệ thực vật, động vật rất đa dạng và phong phú; cùng cộng đồng các dân tộc bản địa sống ở vùng đệm, vùng lõi của vườn vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc…
Tất cả các yếu tố này giúp Vườn Quốc gia Hoàng Liên có cơ hội để phát triển nhiều loại hình du lịch, như chinh phục đỉnh cao, khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục, nghỉ dưỡng…
Khảo sát tour, tuyến mới tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. |
Nhiều năm qua, những sản phẩm du lịch, như tour leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, tuyến tham quan suối Vàng - thác Tình Yêu; du lịch nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường… đã được Vườn đưa vào khai thác, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Đánh giá về hiệu quả của các tour, tuyến du lịch tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, ông Lê Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Viettrekking cho rằng: Các tour, tuyến du lịch của Vườn khá phong phú, mang lại sự lựa chọn mới cho du khách. Các tour rất đa dạng để du khách lựa chọn theo sở thích và thời gian cá nhân. Trong các tour, điểm du lịch tại thị xã Sa Pa thì Vườn Quốc gia Hoàng Liên luôn là một trong những điểm đến không thể thiếu của nhiều du khách. Đây cũng là địa điểm được Viettrekking lựa chọn để tổ chức các tour chinh phục, trong đó có đỉnh Fansipan...
Với quyết tâm khai thác du lịch xanh và bền vững, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã phối hợp với Trung tâm Tài nguyên và Môi trường lâm nghiệp - Viện Điều tra, Quy hoạch rừng xây dựng Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Qua đó, đảm bảo việc khai thác tiềm năng tự nhiên hợp lý để kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và giáo dục môi trường; phát triển du lịch gắn với quản lý bền vững các giá trị của Vườn Di sản ASEAN.
Giai đoạn tới, Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ phát triển du lịch sinh thái theo nhiều phương thức khác nhau nhằm khai thác tối đa lợi ích bảo tồn và giảm thiểu tác động tiêu cực, ít tác động đến môi trường tự nhiên. Trong đó, đơn vị trực tiếp tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; liên doanh, liên kết với đối tác và cho thuê môi trường rừng để các nhà đầu tư kinh doanh hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí…
Nói về chiến lược phát triển du lịch, ông Nguyễn Duy Thịnh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên khẳng định: Việc phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ dựa trên môi trường sinh thái, gắn với thiên nhiên trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường rừng. Tất cả các sản phẩm du lịch của Vườn sẽ được nâng cấp, làm mới, phát triển dựa trên các tiêu chí này.