Gần 3 triệu tấn quặng "đắp chiếu" tại Gang thép Thái Nguyên

27/12/2023 16:45

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, lượng quặng sắt nghèo hàm lượng dưới 51% tồn đọng tại mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) đã lên tới gần 3 triệu tấn và đến nay, số quặng này vẫn đang "đắp chiếu" chờ xử lý.

nui-quang-thai-nguye-1703669906.jpg
Những núi quặng sắt nghèo với khối lượng gần 3 triệu tấn đang tồn đọng tại Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). Ảnh: Việt Bắc.

Theo ghi nhận của PV ngày 26.12, tại khai trường Mỏ sắt Tiến Bộ (xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên) của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, những đống quặng chất cao như núi được tập kết tại nhiều vị trí.

Đây đều là quặng sắt có hàm lượng dưới 51% Fe được bóc tách phân loại trong quá trình khai thác mỏ từ năm 2014 đến nay được lưu giữ lại do chưa thể đưa vào sàng tuyển.

Những núi quặng cao dần theo từng năm kéo theo những nguy cơ về sạt lở và ô nhiễm môi trường nếu không được bảo quản tốt.

Trong khi đó, Mỏ sắt Tiến Bộ có công suất khai thác là 300 nghìn tấn quặng sắt/năm và mỗi năm bổ sung từ 150-200 nghìn tấn quặng sắt có hàm lượng dưới 51% vào đống lưu trữ. Lượng quặng này tương đương với trữ lượng của một mỏ hạng trung bình.

tisco-thai-nguyen-1703669905.jpg
Khu vực sản xuất, tập kết quặng tại Mỏ sắt Tiến Bộ. Ảnh: Việt Bắc.

Trao đổi với PV, ông Trịnh Thanh Hà - Giám đốc Mỏ sắt Tiến Bộ cho biết, mỏ chính thức khai thác từ cuối năm 2013 với trữ lượng hơn 19 triệu tấn. Trung bình mỗi năm khai thác thực tế khoảng 216 nghìn tấn phục vụ cho Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) để sản xuất gang, phôi thép và thép xây dựng.

"Mỏ sắt Tiến Bộ có khối lượng quặng sắt dưới 51% là rất lớn, số này đều chưa được sàng tuyển và lẫn nhiều đất đá. Trong khi đó, với công nghệ hiện nay của TISCO thì quặng sắt có hàm lượng dưới 51% Fe lại chưa sử dụng được", ông Hà cho hay.

Cũng theo ông Hà, gần 3 triệu tấn quặng nghèo tích trữ trong suốt nhiều năm và cũng không thể bán, tiêu thụ ra bên ngoài nên đơn vị cũng chỉ có thể lưu trữ tại nhiều nơi trong mỏ. Hiện nay, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên cũng chưa có phương án xử lý đối với số quặng này.

"Trên thực tế, số quặng sắt này được bóc tách trong quá trình khai thác, loại quặng có hàm lượng cao được sàng tuyển, chế biến và đưa về công ty để luyện. Số quặng nghèo được phân loại, lưu trữ và chưa được sàng tuyển nên không phát sinh chi phí.

Để tránh những nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng tới môi trường, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra các vị trí lưu trữ, gia cố các bờ đập cũng như dành quỹ đất để tập kết số quặng này", ông Hà cho biết.

tisco2-dap-chieu-1703669905.jpg
Dự án TISCO 2 vẫn đang đắp chiếu chưa ấn định ngày hồi sinh. Ảnh: Việt Bắc.

Thông tin tới PV, một lãnh đạo Công ty Cổ phần gang Thép Thái Nguyên cho hay, trong phương án khai thác của Mỏ sắt Tiến Bộ đã tính tới lượng quặng nghèo. Đây là sản phẩm song hành trong quá trình khai thác.

Cũng theo lãnh đạo Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên: "Mỏ sắt Tiến Bộ chứa nhiều quặng nghèo, có những chỗ hàm lượng chỉ hơn 30%. Hiện nay, công nghệ sản xuất của Công ty Gang thép Thái Nguyên chưa dùng đến, sau này sẽ có công nghệ tuyển và đưa số quặng này vào sử dụng".

Theo báo cáo tài chính quý 3 năm 2023, tổng tài sản của TISCO đạt hơn 10.690 tỉ đồng. Trong đó, hơn 6.500 tỉ đồng là chi phí xây dựng dở dang thuộc dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2), hàng tồn kho ở mức 1.790 tỉ đồng. Ngoài ra, tổng nợ phải trả của TISCO ở mức 9.000 tỉ đồng.

Dự án TISCO 2 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỉ đồng, sau đó tăng lên hơn 8.100 tỉ đồng, do TISCO làm chủ đầu tư và Công ty hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu.

TISCO 2 là một trong 5 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả đã được Thủ tướng tích cực chỉ đạo xử lý trong thời gian qua. Đến nay, dự án này đã kéo dài sang năm thứ 17 chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp.

 

Việt Bắc