Dự án Graphit 250 tỉ đồng tại Lào Cai đối mặt nguy cơ bị xóa sổ

18/02/2025 08:37

Dự án xây dựng công trình khai thác và chế biến Graphit Nậm Thi của Công ty CP CARAT tại Lào Cai có thể bị thu hồi sau nhiều năm không hoạt động.

Ngày 17.2, theo nguồn tin của Lao Động, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai vừa có văn bản tham mưu chấm dứt hoạt động dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến Graphit Nậm Thi.

Đồng thời đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty CP CARAT tại mỏ khoáng sản này.

Có mặt tại dự án chế biến quặng Graphit cạnh Tỉnh lộ 157 ở xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai), theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, toàn bộ nhà máy nằm trong một khu vực rộng lớn, xung quanh là núi rừng.

Xung quanh lối vào chính của nhà máy sản xuất quặng, cỏ cây um tùm. Ảnh: Đinh Đại

Xung quanh lối vào chính của nhà máy sản xuất quặng, cỏ cây um tùm. Ảnh: Đinh Đại

Tuy nhiên, qua quan sát, không có bất cứ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nào diễn ra. Trên đường vào nhà máy, cỏ cây mọc um tùm, xanh tốt.

Thời điểm ghi nhận, vẫn còn một số lao động ra vào khu vực sản xuất, chế biến quặng và 1 bảo vệ làm nhiệm vụ trông coi.

Thường xuyên đi làm qua Tỉnh lộ 157, ông Nguyễn Văn Thắng (xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai) cho hay: “Dự án khai thác và chế biến Graphit này được tỉnh Lào Cai phê duyệt và xây dựng từ rất lâu rồi. Vậy mà gần chục năm nay, tôi chưa thấy nó có hoạt động nào”.

Theo ông Thắng, dự án hơn 250 tỉ đồng bỏ không nhiều năm như vậy gây lãng phí cả tiền bạc lẫn tài nguyên. Do vậy, nếu không thể hoạt động trở lại thì tỉnh Lào Cai nên dứt khoát thu hồi.

Nhà bảo vệ cạnh cổng vào đã bỏ hoang từ lâu. Ảnh: Đinh Đại

1 nhà bảo vệ cạnh cổng vào đã bỏ hoang từ lâu. Ảnh: Đinh Đại

Qua tìm hiểu, dự án Khai thác và chế biến Graphit Nậm Thi do Công ty CP CARAT làm chủ đầu tư với số vốn 251 tỉ đồng. Diện tích sử dụng đất của dự án là 107,7 ha, công suất khai thác khoảng 200.000 tấn quặng/năm.

Năm 2010, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đến năm 2017, UBND tỉnh Lào Cai lại có quyết định điều chỉnh chủ trương lần 2.

Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2018. Theo tiến độ, tháng 3.2018, nhà máy phải chính thức đi vào hoạt động, sản xuất tinh quặng Graphit có hàm lượng carbon 95%.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai, do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, các đơn hàng bị tạm ngừng, nhà đầu tư đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các đơn vị liên quan thông báo dừng sản xuất, khai thác quặng Graphit.

Thực tế kiểm tra cho thấy, đến nay đã là đầu năm 2025, dự án vẫn không có bất cứ hoạt động sản xuất hay khai thác nào tại mỏ và nhà máy.

Hiện không có bất kỳ hoạt động nào diễn ra tại nhà máy chế biến Graphit này. Ảnh: Đinh Đại

Hiện không có bất kỳ hoạt động nào diễn ra tại nhà máy chế biến Graphit này. Ảnh: Đinh Đại

Được biết, Công ty CP CARAT hiện cũng đang nợ hơn 3,7 tỉ đồng tiền thuê đất và tiền chậm nộp tại thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai thông tin: “Tỉnh và các sở, ngành đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nhưng nếu dự án không thể hoạt động, vi phạm các quy định về đầu tư, đất đai, khoáng sản, quản lý thuế… thì cần phải xem xét thu hồi, xử lý vi phạm đối với từng nội dung vi phạm và tiến tới thu hồi toàn bộ dự án”.

Một số hình ảnh ghi nhận:

 Toàn cảnh nhà máy chế biến Graphit Nậm Thi tại Lào Cai. Ảnh: Đinh Đại

Toàn cảnh nhà máy chế biến Graphit Nậm Thi tại Lào Cai.

Dự án hiện vẫn chưa thể hoạt động.

Dự án hiện vẫn chưa thể hoạt động.

Một số bao tải quặng bị phủ bạt và bỏ ngoài trời.

Một số bao tải quặng bị phủ bạt và bỏ ngoài trời.

Máy móc bỏ không sau nhiều năm dự án được phê duyệt.

Máy móc bỏ không sau nhiều năm dự án được phê duyệt.

Dù không hoạt động, nhưng nhà máy vẫn còn có bảo vệ trông coi và người ra vào.

Dù không hoạt động, nhưng nhà máy vẫn còn có bảo vệ trông coi và người ra vào.

Băng tải vận chuyển khoáng sản không hoạt động từ khi nhà máy được xây dựng.

Băng tải vận chuyển khoáng sản không hoạt động từ khi nhà máy được xây dựng.

Loạt công trình xuống cấp sau nhiều năm mưa nắng.

Loạt công trình xuống cấp sau nhiều năm mưa nắng.

Việc không thể đưa vào hoạt động cũng gây lãng phí tiền bạc, tài nguyên khoáng sản. Ảnh: Đinh Đại

Việc không thể đưa vào hoạt động gây lãng phí tiền bạc, tài nguyên khoáng sản. Ảnh: Đinh Đại

 

Đinh Đại