Dự án được điều chỉnh, bổ sung thêm 93 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên gần 640 tỉ đông. Ảnh: Trần Bùi.
Bổ sung thêm 93 tỉ đồng
Dự án Đường nối Quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) được UBND tỉnh Yên Bái (cũ) phê duyệt theo Quyết định số 3447/QĐ-UBND ngày 31.12.2020 với tổng mức đầu tư 420 tỉ đồng.
Ngày 29.5.2024, sau khi được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, tổng mức đầu tư dự án được nâng lên gần 547 tỉ đồng (Quyết định số 1013/QĐ-UBND).
Đến ngày 26.5.2025, dự án tiếp tục được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thêm 93 tỉ đồng (Quyết định số 1104/QĐ-UBND), nâng tổng mức đầu tư lên gần 640 tỉ đồng.
Trong giá trị điều chỉnh, bổ sung lần này (93 tỉ đồng), chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 1 tỉ đồng; chi phí xây dựng gần 88 tỉ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 3,1 tỉ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, chi phí khác, chi phí dự phòng.
Trong tổng mức đầu tư (gần 640 tỉ đồng), chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 64 tỉ đồng; chi phí xây dựng gần 527 tỉ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 22 tỉ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, chi phí khác, chi phí dự phòng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động tại Hệ thống mạng Đấu thầu Quốc gia, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 1 tỉnh Lào Cai (hiện là chủ đầu tư dự án) vừa có thông báo mời thầu thêm một gói thầu xây lắp (nằm trong giá trị điều chỉnh, bổ sung 93 tỉ đồng nêu trên).
Đó là Gói thầu số 27: Thi công xây dựng công trình Đường nối Quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) - Hạng mục: Xử lý các vị trí bị sạt lở taluy dương và taluy âm, hư hỏng mặt đường, rãnh dọc do mưa, bão gây ra.
Gói thầu số 27 được đấu thầu rộng rãi qua mạng, có giá gần 79 tỉ đồng (giá dự toán là hơn 83,3 tỉ đồng) từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện gói thầu này là 180 ngày.
Trên tuyến nhiều taluy âm, taluy dương. Ảnh: Trần Bùi.
Quy mô xây dựng điều chỉnh, bổ sung
Trong thời gian tới, sau khi có kết quả phê duyệt lựa chọn nhà thầu được chủ đầu tư phê duyệt, trên cơ sở tuyến đường đang được đầu tư xây dựng, đơn vị thi công sẽ tiến hành bổ sung, xử lý các vị trí bị sạt lở taluy dương và taluy âm, các vị trí hư hỏng mặt đường, rãnh dọc, hệ thống an toàn giao thông và các hư hỏng khác trên toàn tuyến do mưa, bão gây ra.
Theo hồ sơ dự án, trên tuyến có tới 19 điểm sạt lở, đơn vị thi công sẽ tiến hành biện pháp xử lý tình thế, tạm thời để đảm bảo giao thông trước mặt với giải pháp hót sụt, kết hợp xếp rọ đá để đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, sẽ tiếp tục theo dõi sạt lở đất trong quá trình thi công và trong quá trình khai thác, sử dụng để có giải pháp thiết kế ổn định lâu dài.
Về dự án, trước đó ngày 9.1.2022, dự án được khởi công, các đơn vị thi công gồm: Công ty CP Xây dựng giao thông Yên Bái, Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Nam Phong; Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Tây Bắc; Công ty TNHH Đồng Tiến và một số đơn vị khác.
Theo thiết kế, tuyến đường có quy mô cấp IV miền núi với tổng chiều dài 43,5km, kết nối từ các huyện phía Tây sang phía Đông của Yên Bái (cũ).
Dự án có điểm đầu tuyến tại ngã 3 giao cắt với Quốc lộ 32 thuộc địa phận xã Gia Hội, huyện Văn Chấn (nay là xã Gia Hội, tỉnh Lào Cai) và điểm cuối tại ngã 3 giao cắt với đường tỉnh 166 thuộc địa phận xã Đông An, huyện Văn Yên (nay là xã Đông Cuông, tỉnh Lào Cai).
Mục tiêu của dự án này là nâng cấp cơ sở hạ tầng, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông của 2 huyện cũ của tỉnh Yên Bái trước đây là huyện Văn Yên và huyện Văn Chấn, tạo điều kiện đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương và khu vực.