Cụ thể, ngày 26/8, Báo Đại Đoàn Kết có bài “Phú Thọ: Đất nông nghiệp bị san lấp trái phép” phản ánh về việc khi đường liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL32C - QL70B (Phú Thọ đi Yên Bái) được triển khai xây dựng thì 2 bên đường, hàng vạn mét vuông đất nông nghiệp ở khu 5, xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cũng bị san lấp trái phép.
Đi thực tế cùng PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hải Hưng - cán bộ địa chính xã Văn Lang thừa nhận đã và đang có việc san lấp đất nông nghiệp trái phép như phóng viên phản ánh. “Đúng là có việc san lấp đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là những khu đất xấu, trồng cây không hiệu quả. Có hộ thì xin phép đổ đất, chuyển đổi cây trồng, có hộ thì không” - ông Hưng nói.
Để xảy ra tình trạng san lấp tràn lan đất nông nghiệp, ông Hưng cho biết do mình mới về làm địa chính xã một thời gian ngắn, chỗ san lấp lại xa nên nhiều khi cũng không nắm được. Ngoài việc san lấp, người dân cho biết còn có tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, cụ thể như trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn C. Khi được hỏi về việc có báo cáo với huyện Hạ Hòa về những vi phạm trên hay chưa?, ông Hưng cho biết là chưa báo cáo.
Theo ông Lê Trung Thành, sau khi Báo Đại Đoàn Kết có bài phản ánh, Công an tỉnh Phú Thọ, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp huyện Hạ Hòa đã vào cuộc. “Khi các cơ quan về làm việc, tôi cũng trình bày những chỗ đó đất xấu trồng cây không hiệu quả, phần vì thương dân nên mới đồng ý cho đổ đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng” - ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, sau khi có đơn của người dân và kiểm tra của cán bộ chuyên môn nhận thấy đất xấu, bị phèn chua, lẫn nhiều sỏi đá nên UBND xã đã có văn bản đồng ý cho các hộ dân cải tạo mặt bằng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang ngô, rau màu và các loại cây hàng năm khác. Tuy nhiên, vẫn xảy ra trường hợp tự ý đổ đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi chưa được sự đồng ý nên xã đã tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu. “Việc chuyển đổi này không làm mất đi khả năng canh tác lúa trở lại, không làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, ảnh hưởng vệ sinh môi trường, hệ thống giao thông và thủy lợi” - ông Thành cho biết.
Liên quan đến việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ông Thành cho rằng sau khi kiểm tra lại hồ sơ thì đó là những ngôi nhà xây trên thửa đất rộng 1.512m2 (300m2 đất ở, 1.212m2 đất vườn) của bà Đào Thị Tâm. Hiện trên mảnh đất này có 1 ngôi nhà 78m2, 1 ngôi nhà gỗ khoảng 40m2 và 1 ngôi nhà đang xây dựng với diện tích khoảng 100m2. “Đối với diện tích nêu trên, gia đình bà Tâm chưa tiến hành việc tách thửa và có ý kiến sẽ đề nghị thực hiện việc đo đạc và lập hồ sơ tách thửa theo quy định” - ông Thành cho biết thêm.