Chuyện nhà người Mông được đánh số, phát triển du lịch cộng đồng

04/01/2023 21:06

Nhà được đánh số, dọc những con đường trong bản cũng được trồng các loài hoa rực rỡ sắc màu là những gì đang diễn ra tại bản Mông rẻo cao Tây Bắc.

Chuyện nhà người Mông được đánh số, phát triển du lịch cộng đồng
Một cuộc sống mới ấm no đang về trên bản Mông vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Lê Hạnh

Những ngày đầu xuân, khi những bông hoa mận, hoa đào bung nở trắng trời Tây Bắc, bà con ở bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lại rộn ràng chuẩn bị đón chào năm mới. 

Về Tà Số 2 hôm nay, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi chuyện nhà được đánh số, đường được trồng hoa tưởng chừng chỉ có ở miền xuôi, nay lại xuất hiện ở bản người Mông vùng cao - nơi cách trung tâm huyện Mộc Châu 20km.

Những nếp nhà dù lớn hay nhỏ đều được đánh số theo thứ tự rõ ràng, khoa học. 

Dẫn PV đi một vòng quanh bản, phấn khởi giới thiệu từng khu nhà, từng con đường, ông Mùa A Lứ, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tà Số 2 chia sẻ: "Bản Mông Tà Số 2 nay khác rồi, không còn du canh du cư nay đây mai đó, không còn dựng những túp lều lụp xụp lưng chừng nương nữa. Người dân đã biết tính chuyện làm giàu, xây dựng cuộc sống mới". 

Theo ông Lứ, trước đây, người Mông chủ yếu ở các vùng núi cao, sinh sống dựa vào việc trồng lúa nương, ngô, dong riềng, hiệu quả kinh tế thấp, đói kém triền miên. Lâu dần, khi được chính quyền vận động và nhận thức được lợi ích của việc bản làng sống tập trung, họ đã về cùng chung sống, dựng những nếp nhà giống nhau. 

Những ngôi nhà được đánh số tại bản Mông Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Lê Hạnh
Những ngôi nhà được đánh số tại bản Mông Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Lê Hạnh

Để phân biệt giữa các nhà, cũng là để dễ nhớ vì tên những chủ nhà người Mông thường có âm, vần giống nhau, UBND xã Chiềng Hắc đã đăng ký với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mộc Châu đánh số thứ tự từng nhà, từng tuyến đường. 

"Đánh số nhà giúp bà con yên tâm sinh sống trong nhà của mình, không tự ý du canh, du cư nữa. Nhiều nhà cũng nghiên cứu cách làm du lịch cộng đồng để đón du khách!" - ông Lứ nói. 

Như để minh chứng cho lời nói của mình là đúng, ông đã dẫn PV đến homestay của anh Mùa A Hạng. Nhà ở kết hợp điểm lưu trú nằm bình yên giữa vườn hoa mơ nở trắng muốt đã mang lại kinh tế khá cho gia đình anh.

Anh Hạng chia sẻ: "Mình bắt đầu đón những vị khách đầu tiên từ tháng 11.2021, lúc đó, hoa mận cũng đang bắt đầu có nụ. Khi khách đến đây, mình cũng trở thành một hướng dẫn viên, dẫn khách đi tham quan và giới thiệu bản sắc văn hóa

Khách đến ngoài tham quan bản làng còn được trải nghiệm giã bánh dày, ném pao, đi bộ xuyên rừng, thưởng thức ẩm thực như lợn, gà, cải mèo, bánh dày".

Trao đổi với ông Vì Văn Biên - Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu cho biết: "Việc gắn biển số nhà được triển khai từ Tà Số 2 từ tháng 10.2019. Từ khi được triển khai đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt trong nếp nghĩ, nếp sống của đồng bào Mông. Người dân bây giờ không tự ý chuyển nhà, du canh du cư trong rừng, mà sống tập trung, để phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

 
 Mô hình cây ăn quả kết hợp du lịch cộng đồng đã mang lại kinh tế khá cho bản Mông Tà Số 2. Ảnh: Lê Hạnh

Đặc biệt, từ khi bản Tà Số 2 được huyện Mộc Châu lựa chọn xây dựng bản du lịch cộng đồng năm 2020. Thay vì quanh chỉ miệt mài canh tác trên những thửa nương khô cằn thì hiệu quả từ du lịch đã bước đầu mang lại kinh tế khá cho bà con. Cả bản có 140 hộ, nay chỉ còn 2 hộ nghèo, thu nhập bình quân mỗi năm từ 28 - 35 triệu đồng/người".

Theo ông, cấp ủy, chính quyền tuyên truyền nhân dân trong bản trang trí nhà cửa, vệ sinh môi trường, trồng cây, hoa dọc tuyến đường xung quanh nhà ở, được bà con hưởng ứng rất cao. Cùng với đó, nắm bắt thị hiếu du khách, trồng thêm cây mận, cây đào, vừa để có thêm thu nhập từ việc bán cành, bán quả, lại thu hút khách đến thưởng ngoạn mỗi dịp Tết đến, xuân về.

"Không chỉ có cảnh quan môi trường sạch đẹp, văn minh, du khách đến Tà Số còn được trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo, thú vị. Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền của người Mông" - vị lãnh đạo cho hay.

Khánh Linh