Tập đoàn Sông Đà chiếm hơn 50% tổng số nợ BHXH tỉnh Hòa Bình

04/01/2023 20:41

Năm 2022, số nợ BHXH của tỉnh Hòa Bình là gần 100 tỉ đồng. Trong đó có nhiều doanh nghiệp, đơn vị cố tình trây ỳ, không giải quyết gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi ích của công nhân, người lao động.

Tập đoàn Sông Đà chiếm hơn 50% tổng số nợ BHXH tỉnh Hòa Bình
BHXH tỉnh Hoà Bình bị các doanh nghiệp, đơn vị nợ gần 100 tỉ đồng. Ảnh: Trần Trọng.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã có buổi làm việc với Phòng Quản lý Thu, BHXH tỉnh Hòa Bình.

Theo thông tin từ BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 11.2022, trên địa bàn có số người tham gia BHXH bắt buộc là 79.170 người; BHXH tự nguyện là 12.873 người; bảo hiểm thấp nghiệp là 70.157 người; bảo hiểm y tế là 771.082 người với tỷ lệ bao phủ là 88,09% dân số (tổng dân số tỉnh Hòa Bình năm 2022 là 875.378 người).

Cùng với đó, số tiền thu từ các nguồn bảo hiểm trong cùng thời gian trên là 1.934/2.251 tỉ đồng và số đơn vị, doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm là hơn 800 đơn vị với số tiền 95,5 tỉ đồng (thời gian nợ từ 1 tháng trở lên).

Theo bà Phùng Thị Thanh Hiền – Trưởng Phòng Quản lý Thu (BHXH Hòa Bình), do tình hình kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của Đại dịch COVID-19 dẫn đến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị làm trong lĩnh vực xây lắp, xây dựng. Từ đó,  dẫn đến nợ thuế, chế độ quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng lớn.

Với đặc thù riêng của tỉnh Hòa Bình có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ với quy mô khoảng dưới 10 công nhân, dẫn đến quá trình làm việc, giải quyết nợ bảo hiểm của cơ quan chức năng đối với các đơn vị gặp nhiều khó khăn và tốn thời gian.

Không những thế, một số doanh nghiệp lớn cũng cố tình không không nộp, điển hình như các đơn vị thuộc tập đoàn Sông Đà hiện đang tham gia cả 3 loại bảo hiểm tại Hòa Bình nhưng số tiền nợ đang chiếm tới hơn 50% tổng số nợ của toàn tỉnh.

Đặc biệt, đối với Công ty CP Sông Đà 1 và Công ty CP Sông Đà 1.02 Hòa Bình là 2 đơn vị có số nợ lớn với thời gian kéo dài từ tháng 5.2016 (tổng số nợ 2 đơn vị là hơn 8 tỉ đồng). 

Trong những năm qua, 2 công ty trên đã nhiều lần thay đổi giám đốc, chỉ đăng ký mà không có văn phòng đặt tại Hòa Bình (trụ sở ở Hà Nội) nên khi đoàn công tác của BHXH tỉnh làm việc, đơn vị này đã đưa ra vô vàn lý do để né tránh, không hợp tác. Khi yêu cầu công ty chuyển hồ sơ BHXH từ Hòa Bình sang Hà Nội để các hoạt động giữa 2 bên thuận tiện hơn thì vẫn bị từ chối. 

 
 Trụ sở Công ty cổ phần cơ khí lắp máy Sông Đà - chi nhánh I. Ảnh: Trần Trọng.

Còn đối với Công ty CP cơ khí lắp máy Sông Đà - chi nhánh I, là đơn vị có số nợ cao nhất và vẫn đang hoạt động kinh doanh nhưng không có việc làm. Những ngày đầu tháng 1.2022, PV đã có mặt tại trụ sở công ty, theo ghi nhận cánh cửa cổng đóng chặt, không nhận thấy hoạt động sản xuất trong khuôn viên của nhà xưởng. 

Thời gian qua, BHXH tỉnh Hòa Bình đã áp dụng đồng bộ rất nhiều biện pháp như đôn đốc nợ hàng tháng, thanh tra, gửi hồ sơ sang cơ quan Công an nhưng số nợ hơn 10 tỉ đồng của công ty trên vẫn không giảm, vì thiếu khả năng chi trả.

Bà Phùng Thị Thanh Hiền cho hay: “Nhằm giải quyết thực trạng đó, đơn vị đã tham mưu với Ban chỉ đạo thực hiện chính sách, phối hợp cùng các Ban ngành đẩy mạnh nhắc nhở, đốc thúc các doanh nghiệp chi trả tiền nợ bảo hiểm. Các biện pháp sẽ được nâng cao tùy theo mức độ thời gian nợ”.

Cũng theo bà Hiền, song song với hoạt động trên, đơn vị cũng tập trung giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cùng doanh nghiệp. Để từ đó, giảm nhẹ gánh nặng, giúp doanh nghiệp nợ bảo hiểm có thời gian và kinh phí trả nợ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công nhân, người lao động. 

Trần Trọng