Yên Bái xây dựng nông thôn mới nhờ “dân vận khéo”

07/08/2024 14:14

YênBái - Là điểm sáng của vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với 106 xã đạt chuẩn NTM, 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…, Yên Bái có được diện mạo tươi sáng như hôm nay không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của công tác dân vận.

326712-suc-manh-dan-van1-1723014633.jpg
Nhân dân xã Tân Phượng, huyện Lục Yên chung sức làm đường nông thôn.

"Thần tốc” trong giải phóng mặt bằng 

Tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế - một trong những tuyến đường quan trọng đi qua 7 xã vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình và là một trong những tuyến đường đã thực hiện "thần tốc” công tác giải phóng mặt (GPMB) trong vòng hơn 2 tuần nhờ làm tốt công tác "dân vận khéo" (DVK) với trên 450 hộ có đất, tài sản trên đất đồng thuận hiến trên 335.000 m2, 10.800 m tường rào, trên 14.600 cây cối, hoa màu cùng nhiều tài sản, công trình có giá trị, ước tính trên 134 tỷ đồng để phục vụ nâng cấp, cải tạo tuyến đường. 

Ông Nguyễn Lê Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, từng là Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Công trình cải tạo đường Vĩnh Kiên - Yên Thế được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng, là đường tiêu chuẩn cấp V miền núi với tổng chiều dài 40,16 km. Trong đó, các đoạn tuyến qua trung tâm xã được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi kết hợp đô thị. Quá trình triển khai thi công công trình, không có kinh phí đền bù GPMB nên huyện đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng tham gia vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động người dân dọc hai bên đường bị ảnh hưởng đồng thuận hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc để đảm bảo thi công công trình đúng tiến độ”.

Trong quá trình thực hiện, xác định rõ "DVK thì việc gì cũng thành công", các xã vùng Đông hồ đã thực hiện rà soát kỹ lưỡng các hộ bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện nâng cấp tuyến đường, phân loại mức độ ảnh hưởng, đề xuất phương án xử lý đối với các hộ đặc thù, bị ảnh hưởng nặng, bảo đảm rà soát không ảnh hưởng đối với các hộ dân trên toàn đoạn tuyến đi qua địa bàn xã. 

Cùng đó, các xã đều thành lập tổ hỗ trợ GPMB do lãnh đạo UBND làm tổ trưởng để kịp thời chỉ đạo hỗ trợ nhân dân thực hiện tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu, hoàn thiện hồ sơ hiến đất, trả lại đất bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình; chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện (ô tô, máy xúc…) để thực hiện GPMB theo phương châm "4 tại chỗ"; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư, các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, báo cáo huyện xem xét, giải quyết đối với các tình huống phát sinh vượt thẩm quyền. 

Cùng đó, các địa phương đã tổ chức họp dân; tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân; đối với những "hộ khó” thì đi tới tận nhà để tuyên truyền, vận động, giúp các hộ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình… 

Ông Nguyễn Trung Hiếu - người dân thôn Đồng Tha, xã Phúc An là một trong những hộ đã tự nguyện hiến rất nhiều đất để làm đường bày tỏ: "Gia đình tôi rất phấn khởi vì đã tham gia đóng góp một phần nhỏ bé để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đổi mới. Chúng tôi cũng rất mừng vì giờ đây, quyền dân chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, đặc biệt là trong XDNTM theo đúng tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. 

Sự linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện công tác dân vận cũng chính là "bí quyết” giúp công trình nâng cấp, cải tạo tuyến đường Vũ Linh - Yên Bình - Bạch Hà là một trong những công trình giao thông trọng điểm của huyện Yên Bình kết nối giao thương, vận chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển toàn diện cho 3 xã: Vũ Linh, Yên Bình, Bạch Hà hoàn thành theo đúng kế hoạch với sự tham gia của trên 220 hộ dân đã tự nguyện hiến trên 13.500 m2 đất, 3.300 m tường rào, trên 2.700 cây cối, hoa màu cùng nhiều tài sản, công trình có giá trị để phục vụ thi công tuyến đường. 

Nói về hành trình suốt 13 năm XDNTM đến nay, có một thực tế là huyện Yên Bình đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức, song với ý chí, quyết tâm "không gì là không thể” cùng với sự hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và vận dụng linh hoạt phương thức DVK, huyện Yên Bình đã huy động được trên 3.402,738 tỷ đồng để thực hiện XDNTM; trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ từ chương trình XDNTM và lồng ghép với các nguồn vốn khác là 1.747,281 tỷ đồng, chiếm 51,3%; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư và các nguồn vốn khác là 1.655,457 tỷ đồng, chiếm 48,7%. 

Nhân dân toàn huyện đã hiến trên 213.843,0 m2 đất, đóng góp trên 43.000 công để làm đường nông thôn, xây dựng nhà văn hóa và các công trình công cộng. Qua đó, giúp huyện cán đích huyện NTM vào cuối năm 2023 (sớm 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra) với 22/22 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 7 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu; 17 thôn NTM kiểu mẫu, 2 thị trấn được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

 

Công an huyện Lục Yên tham gia "Ngày cuối tuần cùng dân”, giúp nhân dân vận chuyển cây cối thực hiện giải phóng mặt bằng. 

Sẵn sàng hiến "tấc vàng”

Khát vọng đổi mới, vươn lên, xây dựng vùng "Đất Ngọc” sớm trở thành huyện NTM, đó chính là điều mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Yên đang từng ngày nỗ lực thực hiện với một tinh thần rất quyết liệt, khẩn trương. Đưa chúng tôi đi tham quan một số tuyến đường vừa được đầu tư xây mới khang trang, sạch sẽ, hai bên đường có nhiều loài hoa thi nhau khoe sắc, đồng chí Hoàng Trung Chinh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lục Yên cho biết: "Xác định một trong những tiêu chí rất quan trọng trong XDNTM là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, cụ thể là làm đường giao thông còn nhiều khó khăn do hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã xuống cấp nên huyện đã ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường trước. Tuy nhiên, thời gian đầu khi bắt tay vào thực hiện gặp rất nhiều khó khăn do một số hộ dân chưa đồng thuận, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào công tác đền bù của Nhà nước. Vì thế, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc”. 

Thực hiện phương thức phát huy dân chủ, đa dạng trong công tác tuyên truyền, vận động; thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi cùng nhân dân; phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng dân cư; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương, nhân tố điển hình, những cách làm hay, sáng tạo trong XDNTM. 

Đồng thời, tích cực tham gia "Ngày cuối tuần cùng dân”, hỗ trợ nhân dân chặt cây, tháo dỡ công trình nhà ở, tường rào để GPMB… đã tạo động lực rất lớn để toàn thể cán bộ, nhân dân huyện Lục Yên không ngừng phát huy nội lực, tích cực tham gia hiến đất, "mở đường”, tạo nên những công trình có giá trị cho muôn đời sau. Dấu ấn đậm nét nhất trong phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn của huyện Lục Yên trong những năm qua là toàn huyện đã kiên cố hóa được trên 280 km đường nông thôn (dự kiến đến hết năm 2024 ước đạt trên 300 km). 

Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện đã có 5.322 hộ gia đình tự nguyện hiến trên 587.000 m2 đất; trên 42.000 m vật kiến trúc; trên 219.000 cây cối các loại; đóng góp trên 25.000 công cùng nhiều máy móc, trang thiết bị để tháo dỡ, san gạt, vận chuyển đất đai, cây cối, ước tổng giá trị trên 325 tỷ đồng để mở rộng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn huyện, điển hình như: đường Liễu Đô - Mường Lai; đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh; đường Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến - An Phú; đường Tân Lĩnh - Minh Chuẩn đi huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai… 

Hiện nay, đối với một số tuyến đường trọng điểm sắp thi công như: đường Yên Thắng - Mai Sơn - Khánh Thiện đi huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cũng đã có 780 hộ tự nguyện viết đơn hiến đất; tuyến đường xã Mường Lai - xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang có 205 hộ tự nguyện viết đơn hiến đất và đã giải phóng xong mặt bằng chờ Nhà nước bố trí kinh phí đầu tư xây dựng. 

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, những đóng góp tích cực của nhân dân trong tỉnh trong công cuộc XDNTM đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và tạo ra những vùng quê  thực sự đáng sống. Do đó, để tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nội lực trong nhân dân, giúp nhân dân có được cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, địa phương trong tỉnh đã và đang xây dựng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước mà điểm nhấn là thực hiện có hiệu Phong trào thi đua DVK và xây dựng, nhân rộng các mô hình DVK.

Hồng Oanh