Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái với 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người H’Mông. Để cụ thể hóa nội dung nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân, trong đó tập trung công tác xóa đói giảm nghèo, địa phương này đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Kết quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có khoảng 1.000 học viên được đào tạo nghề, hơn 1.200 người được tạo việc làm và gần 1.500 người đã dịch chuyển từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Nhờ nguồn vốn ngân sách đến được tận dân, bản mà người dân tại vùng cao huyện Mù Cang Chải đã phát triển được trang trại chăn nuôi lợn rừng, trồng cây ăn quả, thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống, tập hợp những phụ nữ người H’Mông trong xã khôi phục nghề dệt, nghề vẽ hoa văn trên sáp ong để bán cho khách du lịch. Có việc làm, đời sống cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo ở Mù Cang Chải giảm rõ rệt.
“Tất cả các nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế, xã hội suy cho cùng đều hướng tới việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trực tiếp góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc người dân. Thế nên dù còn nhiều gian truân song chúng tôi sẽ quyết tâm biến những khó khăn thành lợi thế để triển khai hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ có sinh kế bền vững cho người dân” - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên chia sẻ.
Xác định nâng cao thu nhập cho người dân, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc hơn. Những năm qua, Yên Bái đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án để người dân tiếp cận được vốn vay, cũng như tiến bộ khoa học để sản xuất kinh doanh.
Ông Giàng A Sáu ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn cho biết, nhờ trồng quế mà bà con ở đây đều có cuộc sống từ no đủ. Theo ông Sáu, không chỉ thoát nghèo, số hộ giàu ở An Lương cũng tăng đáng kể nhờ trồng rừng, trồng quế, chăn nuôi gia súc. “Nhà nước giúp “cần câu” rồi, đồng bào cứ chịu khó là thành công” - người đàn ông dân tộc H’Mông phấn khởi nói.
Một trong những ví dụ về việc xây dựng hạnh phúc ở Yên Bái là phong trào đóng góp, chung tay xây dựng cơ sở vật chất ở cộng đồng dân cư.
Ông Đặng Quang Thành - Bí thư chi bộ, trưởng thôn Tiên Phong, xã Tân Hương, huyện Yên Bình - nói, thành công lớn nhất của thôn khi xây dựng chỉ số hạnh phúc là thay đổi thói quen của người dân. Họ đã biết tự lập, vươn lên thoát nghèo và làm đẹp cho ngôi nhà của mình. Ngoài chè, bưởi thu về kinh tế, nay họ biết trồng hoa, cây cảnh. Trước đây, sau vụ mùa, rơm sẽ chất đầy đường, nhưng những vụ gần đây, gặt đến đâu rơm sạch đến đấy. Bà con có ý thức tự quét dọn luôn...