Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Những ngày đầu tháng 11, dải đất ven sông Hồng qua các xã Nga Quán, Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp, Quy Mông, Y Can của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã phủ màu xanh của ngô, rau, đậu đỗ, đặc biệt là dâu tằm.
Khó khăn còn như núi trước mắt nhưng mấy lứa tằm cuối vụ cùng với những luống rau xanh sắp cho thu hoạch, bà con ai cũng mừng. Nhiệm vụ cấp bách ngay sau khi nước lũ rút là khôi phục sản xuất nông nghiệp của cấp ủy, chính quyền huyện Trấn Yên đã bước đầu mang lại hiệu quả.
Bà Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên - cho biết: “Ảnh hưởng bão số 3 khiến gây thiệt hại cho 13.664 hộ sản xuất, hàng vạn gia đình ảnh hưởng đến thu nhập và sinh kế. Với mục tiêu chung là khôi phục sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã thành lập các tổ công tác về tận cơ sở, khảo sát tình hình và xây dựng kế hoạch. Theo đó, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân khơi rãnh, thoát nước, tuốt lá, bấm ngọn dâu tằm; nạo vét mương máng, làm đất trồng ngô; gieo rau màu vụ Thu Đông trên tất cả những diện tích có thể; vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng, chôn lấp gia súc, gia cầm bị chết để tái đàn”.
Đến nay, hơn 500 trong tổng số 593ha dâu bị ảnh hưởng đã được chăm sóc và hồi phục. Người dân các xã, thị trấn trong huyện Trấn Yên đã trồng được hơn 500ha ngô đông, hơn 600ha rau màu khác.
Còn tại TP Yên Bái, sau lũ, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân vệ sinh đồng ruộng bắt tay vào sản xuất vụ Đông với cơ cấu cây trồng phù hợp. Các phường xã cũng tiếp nhận từ thành phố hạt giống các loại và phân vi sinh giúp các hộ dân bị thiệt hại khôi phục sản xuất.
Theo thống kê của tỉnh Yên Bái, bão số 3 làm 54 người bị chết; 42 người bị thương; 27.331 nhà bị thiệt hại; 7.006ha cây trồng bị ảnh hưởng; 336.325 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…; tổng thiệt hại ước tính trên 5.738 tỉ đồng.
Ngay khi kết thúc chiến dịch khắc phục hậu quả bão lũ, tỉnh Yên Bái đã tiếp tục tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2024 đặt ra. Để khôi phục kinh tế, tỉnh Yên Bái triển khai các giải pháp đẩy mạnh chuỗi sản xuất - cung ứng, kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, tăng thu ngân sách, đưa hoạt động du lịch trở lại...
Ông Trần Huy Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - chia sẻ: “Mặc dù bị bão lũ nhưng tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái 9 tháng vẫn ước đạt 7,15%, đứng thứ 9/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. 3 tháng cuối năm, với quyết tâm chỉ bàn làm, không bàn lùi, Yên Bái sẽ triển khai các giải pháp căn cơ để vừa “chạy nước rút” thực hiện toàn diện các chỉ tiêu đặt ra, vừa kiến thiết vừa thúc đẩy tăng trưởng”.
Xây dựng các sản phẩm du lịch thiện nguyện sau bão
Cùng với xây dựng các khu tái định cư cho người dân chịu thiệt hại nặng nề sau mưa lũ, tỉnh Lào Cai huy động cả hệ thống chính trị tham gia khắc phục hậu quả, trong đó triển khai kịp thời các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi thuộc ngành hàng chủ lực của địa phương để sớm ổn định sản xuất.
Với thế mạnh du lịch, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai đã lên phương án với nhiều giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như xây dựng sản phẩm mới, đẩy mạnh xúc tiến hợp tác.
Theo đó, sở đang nghiên cứu xây dựng tour du lịch thiện nguyện. Đây là hình thức trải nghiệm và kết hợp hỗ trợ các bản làng bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, du lịch gắn với tham quan các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
“Việc tham gia du lịch thiện nguyện mang lại nhiều lợi ích cho du khách và cộng đồng bản địa, ý nghĩa nhân văn cao đẹp, khi du khách phương xa cùng đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, địa phương và môi trường. Khi tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, du khách có cơ hội gặp gỡ và làm việc với cộng đồng bản địa”, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Lào Cai bày tỏ.