Yên Bái: Đối tượng phá rừng “chưa rõ”, các cơ quan nhận trách nhiệm chung chung

18/06/2022 20:25

Yên Bái - Thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vốn là nơi có thảm thực vật đa dạng và có rừng đầu nguồn với nhiều loại cây gỗ rừng lâu năm. Thời gian vừa qua, tại khu vực này đã diễn ra việc chặt cây, phá rừng… nhưng nhiều tháng trôi qua, cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ thủ phạm.

Nhiều cây gỗ rừng đã bị các đối tượng chặt hạ ngổn ngang.Nhiều cây gỗ rừng đã bị các đối tượng chặt hạ ngổn ngang.

Phá rừng kiểu “gặm nhấm”

Giữa tháng 4/2022, phóng viên tìm về thôn Bu Cao sau khi nhận được phản ảnh của người dân về tình trạng phá rừng, xâm lấn rừng đang diễn ra tại địa phương. Từ trung tâm xã Suối Bu, đi ngược lên thôn Bu Thấp men theo con đường bê tông nhỏ, dốc chỉ vừa vặn bánh xe máy lăn khoảng gần 1h đồng hồ mới đặt chân được đến thôn Bu Cao.

Để đến được hiện trường, chúng tôi phải bỏ lại xe máy bên bờ con suối, đi bộ lên đồi chè Shan Tuyết của đồng bào người Mông. Theo xác định trên bản đồ kiểm kê rừng tỉnh Yên Bái (năm 2016) thì vị trí đồi chè là rừng sản xuất. Đi hết nương chè là đến những tán gỗ rừng lớn, dưới có nhiều cây quế cao chừng 1,5m.

Đi sâu vào rừng, chúng tôi phát hiện nhiều cây gỗ rừng có đường kính gốc từ 50-60cm đã bị chặt hạ, nhiều cây đang được xẻ dở dang. Quanh đó còn vương vãi lá xanh của những cây gỗ rừng bị chặt hạ. Nhiều khúc gỗ hộp vuông vức, có chiều dài khoảng hơn 2m nằm ngổn ngang do các đối tượng chưa kịp vận chuyển ra ngoài rừng.

Đặc biệt, theo ghi nhận của phóng viên thì ở gốc của nhiều cây gỗ rừng lớn đều có dấu vết khoanh vỏ cây.

Theo một người dân địa phương, việc khoanh vỏ cây này nhằm để những cây này “chết dần, chết mòn”. Khi đó, việc lấn chiếm rừng phòng hộ để trồng quế sẽ dễ dàng hơn đối với một số đối tượng. Đây là một cách “gặm nhấm” rừng tự nhiên một cách âm thầm nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Để khẳng định rõ hơn về loại rừng bị chặt phá, chúng tôi đã “bắn” định vị và xác định trên bản đồ kiểm kê vị trí rừng. Kết quả cho thấy, đây thuộc lô 12, khoảnh 6, tiểu khu 464, có hiện trạng là rừng tự nhiên núi đất (TXN), chức năng phòng hộ.

Ghi nhận về tình trạng phá rừng nghiêm trọng trên, phóng viên Báo PLVN đã liên hệ, thông tin với ông Vũ Đình Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn. Ông Trường hứa, “sẽ cho anh em kiểm tra và thông tin lại kết quả cho báo chí”.

Đến ngày 18/04/2022, UBND tỉnh Yên Bái đã có Công văn số 1117/UBND- LNL nhằm chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin phá rừng, xâm lấn rừng phòng hộ tại thôn Bu Cao, xã Suối Bu.

Cùng ngày, UBND huyện Văn Chấn có Quyết định thành lập đoàn công tác liên ngành nhằm kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép tại xã Suối Bu, huyện Văn Chấn).

Khi kiểm tra khu rừng phòng hộ tại thôn Bu Cao, xã Suối Bu, đoàn xác định ở tiểu khu 464, khoảnh 6, lô 12 có 02 cây gỗ kháo bị cắt. Cây thứ nhất có đường kính gốc tại vị trí mặt cắt là 34cm, một phần gỗ đã bị di chuyển khỏi hiện trường, phần còn lại là 16 thanh bìa bắp dài 200cm, dày 2cm và 01 lóng dài 450m đường kính 22cm; Cây thứ hai có đường kính gốc tại vị trí mặt cắt là 35cm, được cắt thành 03 đoạn, đoạn gốc đã xẻ bóc 4 bắp xung quanh, kích thước hộp gỗ đo được là 240cm x 22cm x 20cm; 01 khúc gỗ tròn đường kính 30cm, dài 200cm; phần cành ngọn chưa cắt dời, đo được 02 lóng: Lóng thứ nhất dài 550cm đường kính 22cm, lóng thứ hai dài 300cm đường kính 20cm; ngoài ra còn 4 thanh bìa bắp được xẻ ra từ đoạn gốc. Tổng khối lượng gỗ đo đếm, tính toán được là 0,817m3.

Tại khu vực xung quanh, Đoàn phát hiện có khoảng 15 cây rừng bị ken vỏ; dưới tán rừng phòng hộ còn có cây chè và quế trồng theo từng đám nhỏ (cây có đường kính gốc từ 1,0 - 3,0cm, cao từ 1,0 - 1,5m).

Ngoài diện tích rừng phòng hộ (đã khoanh trừ trên bản đồ khoán bảo vệ rừng) có khoảng 20 cây gỗ tự nhiên bị khoanh gốc, là cây mọc rải rác trong diện tích đã trồng chè của người dân, đường kính gốc cây chè từ 05 - 12cm (theo thông tin của nhân dân, cây chè được trồng từ khoảng năm 1994).

Yên Bái: Đối tượng phá rừng “chưa rõ”, các cơ quan nhận trách nhiệm chung chung ảnh 1

Nhiều gốc cây gỗ rừng bị các đối tượng khoanh vỏ.

Yên Bái: Đối tượng phá rừng “chưa rõ”, các cơ quan nhận trách nhiệm chung chung ảnh 2

Những cây gỗ đã bị ngả có đường kính khá lớn.

Cơ quan nào chịu trách nhiệm?

Sau khi phát hiện sự việc UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ đối tượng chặt phá rừng.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), ngày 27/4/2022, Hạt Kiểm lâm Văn Chấn và UBND xã Suối Bu đã chỉ đạo, Trạm Kiểm lâm Suối Xuân - Cầu Nhì, Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Bu Cao tiến hành thu dọn số gỗ bị cắt hạ đưa về Hạt Kiểm lâm lập biên bản tạm giữ (số gỗ được 2 thanh có khối lượng 0,092m3 và 9 khúc gỗ tròn dài 1,3m có khối lượng 0,314m3, phần còn lại cong queo, sâu thối không tận dụng được bỏ lại tại hiện trường).

Ngày 28/4/2022, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn phối hợp cùng UBND xã Suối Bu, Công an huyện Văn Chấn tổ chức họp thôn tuyên truyền công tác bảo vệ rừng và “bỏ phiếu kín” tố giác các đối tượng phá rừng. Kết quả kiểm phiếu xác định có 2 đối tượng nghi vấn, bị nhân dân tố giác.

Ngày 4/5/2022, UBND xã đã mời hai người nghi vấn là M.A.P và M.A.S (cùng trú tại thôn Bu Cao) đến làm việc và lấy lời khai (có sự tham gia của cán bộ xã, Công an, Kiểm lâm). Tuy nhiên, hai người này không thừa nhận hành vi phá rừng. Qua thu thập thông tin, lấy lời khai, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ chứng minh 2 người trên có tham gia khai thác rừng phòng hộ.

Hiện, lực lượng Công an và Kiểm lâm vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối tượng chặt 2 cây gỗ trên và các đối tượng ken, đẽo vỏ cây rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho hay: “Trong vụ việc này trách nhiệm để mất rừng chủ yếu thuộc về chính quyền địa phương, ngành chỉ tham mưu phối hợp. Sau khi nắm được thông tin, Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn công tác xuống kiểm tra ngay ngày hôm sau”.

Còn ông Và Sái Tùng, Chủ tịch UBND xã Suối Bu cũng nhận trách nhiệm quản lý chung của chính quyền địa phương sau khi để mất rừng. Ban Quản lý thôn Bu Cao cũng có trách nhiệm trực tiếp vì không kiểm tra đến nơi đến chốn. Xã đã tổ chức kiểm tra, xác minh và tổ chức quần chúng nhân dân tố giác nhưng 2 đối tượng tình nghi không nhận chặt cây. Xã đã rà soát, phát hiện được 3 hộ thực hiện khoanh vỏ cây nên đã mời các gia đình lên hiện trường kiểm đếm.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, sau khi điều tra, xác minh, xác định được mức độ vi phạm sẽ đưa ra mức độ kiểm điểm hợp lí đối với những người bảo vệ rừng mà để mất rừng. Tuy nhiên, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong bảo vệ rừng vì người dân ở đây vẫn có tập quán lấy gỗ làm nhà, làm chuồng…

Theo báo cáo UBND huyện Văn Chấn, từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện đã phát hiện và xử lý 12 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (05 vụ phá, lấn chiếm rừng; 02 vụ vi phạm thủ tục hành chính trong vận chuyến lâm sản; 02 vụ khai thác; 03 vụ vận chuyến lâm sản trái pháp luật;); diện tích rừng bị phá, lấn chiếm 0,27ha; tịch thu 1,8m gỗ các loại và 01 cửa xăng, xử phạt hành chính 36,25 triệu đồng (trong đó, có 01 vụ chặt phá, ken cây rừng để trồng quế tại xã Suối Bu).

Phàn Giào Họ