Vụ sạt lở ở Lai Châu: Cảnh báo tình trạng sử dụng lao động thời vụ

20/05/2025 08:26

Vụ tai nạn tại công trình Thủy điện Tả Páo Hồ 1A (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đang được các cơ quan chức năng xác minh, điều tra. Tuy nhiên, những thông tin công bố cho thấy công trình này sử dụng nhiều công nhân thời vụ, thậm chí có cả thiếu niên chưa đủ tuổi làm việc tại công trường.

Người bị thương kể lại giây phút thoát chết

Chúng tôi đến thăm 4 công nhân bị thương trong vụ sạt lở tại công trường thủy điện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Đến nay, anh Mòng Văn Quý (SN 1986) quê ở Quế Phong (Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng dù anh bị thương nhẹ nhất. Cạnh anh là các anh Đoàn Văn Vinh (SN 1984), anh Lữ Văn Phần (SN 1985) và anh Lường Văn Sinh (SN 1970), bị thương nặng, khó nói chuyện với người đến thăm.

anh-1-4769-1811-1747704338.jpg
Hiện trường vụ sạt lở đất tại công trường thủy điện.

Vợ chồng anh Quý làm nông quanh năm nhưng không đủ ăn; gia đình anh có 3 con đang tuổi ăn học; đứa lớn lại bị viêm màng não. Để kiếm tiền chữa bệnh và nuôi các con, anh tranh thủ lúc nông nhàn đi làm cho công ty thi công công trình thủy điện. Tháng trước, anh làm việc tại một công trường ở Hà Giang; đến ngày 15/5 chuyển sang công trường này với mức lương 450 nghìn đồng/ngày. Công việc của anh hằng ngày là dọn dẹp hố móng, đắp bao cát ngăn dòng nước để đổ bê tông.

Vụ sạt lở ở Lai Châu: Cảnh báo tình trạng sử dụng lao động thời vụ ảnh 2
Anh Lý Phùng Khỉn (bên trái).

“Khoảng 10h30 sáng 16/5, anh quản lý gọi chúng tôi cử một người về nấu cơm trưa. Tôi định về nấu cơm, vừa bước lên được một đoạn thì đất đá ụp xuống. Lúc đó, chúng tôi cơ bản đứng cùng một chỗ nên đất đá đều văng, lấp vào người. Tôi bị đá đạp vào người văng ra, còn nhiều người bị lấp. Sạt lở xong, tôi chỉ nhìn thấy mọi người kéo được anh Vinh (quản đốc) ra ngoài, còn không thấy người khác đâu”, anh Quý nhớ lại.

Vụ sạt lở ở Lai Châu: Cảnh báo tình trạng sử dụng lao động thời vụ ảnh 3
Anh Phàn Phủ Khẩu.

Nằm giường bên cạnh là anh Lường Văn Sinh, cùng quê ở huyện Quế Phong giống anh Quý. Anh Sinh bị đá văng vào người, hiện đang điều trị nẹp cố định cột sống cổ. “Gia đình cũng đã biết việc bị tai nạn, nhưng vì ở quê ở xa và điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ con không thể ra thăm được”, anh Sinh kể.

Gia cảnh khốn khó của những nạn nhân tử vong

Trong số 5 nạn nhân bị tử vong trong vụ tai nạn này thì 4 người ở xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đáng nói 4 nạn nhân này là 2 cặp mẹ con gồm: Chị Tẩn U Mẩy ( SN 1984) và con là Lý Lao San ( SN 2008); Chị Tẩn Sử Mẩy ( SN 1986) và con là Phàn Lao Lở ( SN 2009). Ông Phu Cha Pô, quyền Chủ tịch xã Sì Lở Lầu cho biết, kinh tế những hộ có người tử vong còn rất khó khăn. Trong đó, gia đình chị Tẩn Sử Mẩy vừa được hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát. “Chị Tẩn U Mẩy và chị Tẩn Sử Mẩy còn là hai chị em ruột. Hai chị đưa 2 con là Phàn Lao Lở và Lý Lao San đi làm trong công trường thủy điện”, ông Pô nói thêm. Theo ông Pô, công trình thủy điện thi công từ năm 2023. Trung bình công trình này có khoảng từ 30-40 công nhân thi công. Tuy nhiên, hôm xảy ra sạt lở, người dân trong bản Lản Nhì Thàng có mấy hộ đổ mái nhà nên họ ở nhà để hỗ trợ. Một số hộ dân cũng ở nhà để ra xã nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, trong đó có chồng chị Tẩn Sử Mẩy.

Bản Lản Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu) nơi có 4 người vừa mất nằm ngay cạnh mặt đường nhựa, cách công trường xảy ra tai nạn không xa. Các gia đình đang chuẩn bị làm đám tang cho những người xấu số. Đường vào nhà anh Lý Phùng Khỉn (là chồng của chị Tẩn U Mẩy, bố Lý Lao San) khó khăn, đá lổn nhổn, trơn trượt, chỉ xe máy đi được. Căn nhà nằm trên đỉnh dốc, xây dựng theo nếp nhà của người Dao. Tường đắp đất, mái lợp fibrô xi măng. Trong nhà trống hoác, chỉ có mấy bao sắn, bao lúa. Người trong dòng họ đã đến giúp đỡ làm ma cho vợ và con anh.

Anh Khỉn đang chào hỏi các đoàn đến hỏi thăm. “Hai vợ chồng làm ruộng thôi. Mỗi vụ được hơn 30 bao sắn và lúa, đủ ăn và nuôi 3 con trâu. Hôm trước, người trong thủy điện cần công nhân lên bản gọi nhưng tôi không đi, cũng không muốn cho vợ đi vì đang mưa lớn. Vợ bảo: Cứ đi làm vì được trả công 370 nghìn đồng/ngày, lấy tiền để dành. Vợ nói rồi kéo cả con đi nữa…”, anh Khỉn buồn rầu.

Cách nhà anh Khỉn không xa, anh Phàn Phủ Khẩu (chồng chị Tẩn Sử Mẩy) cũng đang cùng họ hàng làm đám tang cho vợ và con. Căn nhà rộng chừng 20 mét vuông, bên trong chỉ có ba chiếc giường của vợ chồng anh chị và hai con. Bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ đặt ở gian khách nhỏ. Mất đi hai người trong gia đình, căn nhà đơn sơ càng thêm trống vắng. Đôi mắt anh Khẩu thâm quầng sau mấy đêm thức trắng tìm kiếm thi thể vợ và con trai. Anh ngồi lặng lẽ ngồi gấp những bộ quần áo, di vật duy nhất còn sót lại để chôn cùng người thân trong tang lễ. Bên cạnh anh, bé Phàn Mỹ Linh (8 tuổi), con gái út, ngồi thẫn thờ, vừa khóc vừa liên tục hỏi bố về mẹ và anh. Anh Khẩu nói: “Đáng lẽ, hôm đó tôi cũng đi làm cùng hai mẹ con rồi. Hôm trước, tôi với vợ và con trai tranh thủ đi làm thuê tại công trường thủy điện. Cháu nó cũng mới thi xong học kỳ 2. Ba người đi làm cũng kiếm hơn 1 triệu một ngày, đủ để lo bữa cơm, manh áo những ngày sắp tới”.

Sáng 16/5, anh Khẩu xuống xã nhận tiền hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng. Trên đường trở về, anh bàng hoàng khi nhận được tin dữ từ công trường. “Lúc đó tôi chưa thể xác định hai mẹ con đang ở đâu. Nghe bộ đội báo tin, tôi mới rụng rời”, anh Khẩu nghẹn ngào. Anh Khẩu dự định sẽ lo tang lễ cho hai mẹ con thật chu đáo. Sau đó, anh phải cố gắng lo cho đứa con gái út. Con trai cả của anh thì đang đi bộ đội, chờ lấy vợ.

ĐỨC ANH - THÀNH ĐẠT