''Viên minh châu'' của núi rừng Tây Bắc

26/12/2022 07:50

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La, năm 2014 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Với vị trí cửa ngõ quan trọng của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, lại được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu, cảnh sắc tuyệt vời cùng nguồn tài nguyên nhân văn đặc sắc nên Khu du lịch quốc gia Mộc Châu hội tụ vẻ đẹp lấp lánh tựa viên “minh châu” của núi rừng Tây Bắc.

Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới

Đặt chân đến Mộc Châu, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời tại đây. Nằm ở độ cao trung bình từ 800 - 1.000m so với mực nước biển, điều kiện địa hình đã chia Mộc Châu làm 4 khu vực chính: Cao nguyên, vành đai cao nguyên, khu vực dọc sông Đà và khu vực biên giới. Mỗi khu vực có một lợi thế riêng trong việc định hình sản phẩm đặc trưng.

Khu vực trung tâm gồm thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu đóng vai trò khu vực kinh tế động lực, nơi tập trung phát triển nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Khu vực vành đai cao nguyên chủ yếu phát triển nông nghiệp hàng hóa và du lịch cộng đồng. Khu vực dọc sông Đà tập trung phát triển loại hình du lịch cộng đồng và du lịch lòng hồ. Cuối cùng là khu vực biên giới - vùng trồng cây nguyên liệu, dược liệu, chăn nuôi gia súc, phát triển thương mại tại cửa khẩu quốc tế Lóng Sập giáp với nước bạn Lào và các loại hình du lịch mạo hiểm, leo núi, chợ văn hóa vùng biên.

Thác Bảy tầng - "Dải lụa trắng" của huyện Vân Hồ.

Nhờ địa hình đa dạng, khí hậu mát mẻ quanh năm, đặc biệt là có số ngày sương mù cao (80 ngày/ năm) nên Mộc Châu còn được mệnh danh là “xứ sở sương mù”. Đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm, du khách cũng được khám phá cảnh sắc thiên nhiên với những đồng chè trải dài, những thung lũng hoa bừng sắc theo mùa. Mộc Châu là “xứ sở của những dòng thác" bởi nơi đây có nhiều thác nước đặc sắc như Dải Yếm, Tạt Nàng, Chiềng Khoa, Nàng Tiên..., mang lại cho du khách ấn tượng khó quên. Năm 2022, Mộc Châu đã được World Travel Award (WTA) vinh danh là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”.

Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, tại Mộc Châu đã hình thành nhiều điểm đến, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí với nhiều phân khúc nhằm phục vụ đa dạng đối tượng khách như Khu du lịch Mộc Châu Island, Happy Land, Rừng thông Bản Áng, Khu phố đi bộ - chợ đêm, đồi chè Mộc Sương... được đầu tư xây dựng bài bản, chuyên nghiệp. Nhờ đó, lượng khách đến Mộc Châu đóng góp đáng kể vào tổng 3,2 triệu lượt khách đến Sơn La trong năm 2022, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đa dạng hóa sản phẩm

Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế để phát triển nhưng tiềm năng du lịch Mộc Châu vẫn chưa được khai thác tối đa. Để lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu du lịch Mộc Châu, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam cho rằng, Mộc Châu cần đa dạng hóa sản phẩm nhằm gia tăng trải nghiệm, mức chi tiêu và thu hút đối tượng khách ở phân khúc trung bình khá trở lên. Trước mắt, cần khuyến khích phát triển kinh tế đêm, coi đây là một trong những sản phẩm trọng tâm trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Tuyến phố đi bộ đêm ở Mộc Châu cần xác định rõ đặc trưng, thế mạnh của địa phương, điểm khác biệt so với không gian đi bộ khác; trong đó, văn hóa luôn là yếu tố quan trọng để duy trì sự bền vững và sức hút đối với khách.

Đánh giá cao về các khu, điểm du lịch được đầu tư bài bản tại Mộc Châu mới được đưa vào phục vụ khách gần đây, Giám đốc Công ty Fivestar Travel Lương Duy Doanh chia sẻ: “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều công ty lữ hành, dịch vụ, điểm đến; nhiều chuỗi cung ứng dịch vụ bị đứt gãy. Vì thế, việc kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ tại Mộc Châu và các tỉnh, thành là cần thiết nhằm giúp du lịch Mộc Châu và Sơn La hồi phục hoàn toàn từ năm 2023. Bên cạnh đó, với thế mạnh về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Mộc Châu cần chú trọng đến công tác bảo vệ cảnh quan môi trường, hạn chế sự tác động của con người đến thiên nhiên và quan tâm đến việc xây dựng sản phẩm du lịch bền vững”.

Chia sẻ về định hướng đưa Mộc Châu trở thành Khu du lịch quốc gia vào năm 2025, đến năm 2030 phát triển du lịch Sơn La trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La Nghiêm Văn Tuấn cho biết: “Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sơn La đã và đang xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển du lịch, trong đó chú trọng đến các sản phẩm du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên, gắn với nghỉ dưỡng cao cấp để thu hút phân khúc khách có mức chi tiêu cao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung phát triển Khu du lịch Mộc Châu trở thành Khu du lịch quốc gia, song song với việc phát triển du lịch vùng lòng hồ sông Đà và các sản phẩm du lịch vùng cao nhằm đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, phục vụ nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, chúng tôi chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời thu hút sự tham gia của người dân, từ đó phát triển du lịch bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội”.

PV
Bạn đang đọc bài viết "''Viên minh châu'' của núi rừng Tây Bắc" tại chuyên mục Tây bắc xanh.