Có tình trạng nhờn luật?
Lao Động đã phản ánh về tình trạng nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại tỉnh Tuyên Quang không thực hiện đóng cửa mỏ, để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường, gây bức xúc cho người dân sống gần các mỏ khai thác khoáng sản.
Trên thực tế, các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra và liên tiếp xử phạt các doanh nghiệp vi phạm không đóng cửa mỏ, không phục hồi cải tạo môi trường theo đúng quy định. Nhưng sau đó những vi phạm vẫn tồn tại, kéo dài.
Tháng 4.2024, UBND tỉnh Tuyên Quang đã xử phạt Công ty cổ phần khoáng sản và công nghiệp Chiến Công tổng số tiền 240 triệu đồng về hành vi không lập đề án đóng cửa mỏ tại mỏ than Linh Đức và mỏ vàng - antimon Khuân Phục cùng tại huyện Chiêm Hóa.
Công ty CP khoáng sản và cơ khí MIMECO Tuyên Quang đã từng bị xử phạt 230 triệu đồng vì không thực hiện đóng cửa mỏ nhưng đến nay đơn vị này vẫn không hoàn thổ mỏ theo đúng quy định.
Mới đây, sau giám sát, HĐND tỉnh Tuyên Quang chỉ ra vi phạm không đóng cửa mỏ khi đã hết thời gian khai thác của Công ty cổ phần khoáng sản và công nghiệp Chiến Công tại mỏ mangan Phúc Sơn. Đồng thời đề nghị Sở TNMT vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Trước đó, tháng 4.2022, UBND tỉnh Tuyên Quang đã xử phạt Công ty cổ phần khoáng sản và cơ khí MIMECO 230 triệu đồng do vi phạm các quy định về đóng cửa mỏ tại mỏ mangan Phúc Sơn (huyện Lâm Bình).
Tuy nhiên, sau các quyết định xử phạt, tình trạng không thực hiện hoặc cố tình trây ỳ không đóng cửa mỏ của các doanh nghiệp vẫn diễn ra. Điều đó đặt ra câu hỏi về các chế tài xử lý hiện đã đủ mức răn đe hay doanh nghiệp đang nhờn luật?
Cần quyết liệt xử lý
Thông tin từ Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2011-2023, toàn tỉnh có 40 giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện đóng cửa mỏ. Trong đó, 31 trường hợp đã nộp hồ sơ phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, 9 trường hợp chưa thực hiện.
Trao đổi với PV, đại diện Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được thực hiện thường xuyên, quyết liệt với các hành vi vi phạm.
Cống thoát nước, tưới tiêu nông nghiệp của người dân xã Phúc Sơn bị đất đá từ mỏ khoáng sản chưa hoàn thổ vùi lấp.
"Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản chậm hoặc cố tình không thực hiện quy định đóng cửa mỏ khi hết thời hạn khai thác, nguyên nhân phần lớn từ ý thức chấp hành pháp luật chưa cao", đại diện Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang cho hay.
Để tăng cường công tác quản lý về hoạt động khoáng sản, ngày 30.12.2024, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.
Trường hợp Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc tổ chức, cá nhân trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện lập ngay Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Sau quá trình kiểm tra, rà soát, các cơ quan chức năng phải báo cáo UBND tỉnh kết quả và đề xuất các biện pháp thực hiện trong tháng 2.2025.
Đại biểu Quốc hội lên tiếng
Trên thực tế, nhiều Đại biểu Quốc hội đã quan tâm đến vấn đề này và đề xuất các biện pháp xử lý trong quá trình xây dựng Luật Địa chất và khoáng sản.
Bà Ma Thị Thúy - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho biết, vấn đề hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác là nội dung bắt buộc khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo bà Thúy, với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cần phải hoàn thành việc nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong một nửa thời gian theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp thay vì chia đều. Việc này sẽ giúp các đơn vị khai thác có trách nhiệm hơn.
"Doanh nghiệp chưa giải thể hoặc phá sản mà không thực hiện đóng cửa mỏ thì phải có chế tài mạnh hơn như khóa hóa đơn, thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp, kể cả đối với những doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực", bà Thúy cho hay.
Cùng quan điểm, ông Võ Mạnh Sơn - ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng trách nhiệm đối với trường hợp tổ chức, cá nhân sau khi đã bỏ địa điểm kinh doanh nhưng chưa tiến hành thủ tục giải thể, phá sản thì pháp nhân đó vẫn còn tồn tại, do đó, vẫn phải chịu trách nhiệm đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định của luật.
"Thực tiễn vẫn xảy ra các trường hợp đơn vị khai thác khoáng sản trây ỳ, không đóng cửa mỏ, đã bỏ địa điểm kinh doanh nhưng không tiến hành làm thủ tục giải thể, phá sản.
Các biện pháp xử lý vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan không phát huy tác dụng để yêu cầu các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện đến cùng, dẫn đến tình trạng mỏ khoáng sản dừng hoạt động lâu ngày, không đảm bảo an toàn", ông Sơn nhận định.
Ông Võ Mạnh Sơn đề nghị cần bổ sung quy định về đơn vị có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để mỏ về tình trạng an toàn trong trường hợp các đơn vị khai thác khoáng sản trây ỳ không đóng cửa mỏ, đã bỏ địa điểm kinh doanh.
Ông Sơn nhấn mạnh: "Cần bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp doanh nghiệp tổ chức khai thác khoáng sản không giải thể, không phá sản nhưng cũng không thực hiện việc đóng cửa mỏ theo quy định".
Bà Lê Đào An Xuân - ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị cần tăng tiền xử phạt vi phạm hành chính lên nhiều lần so với quy định hiện tại để đủ sức răn đe doanh nghiệp cố tình không thực hiện trách nhiệm đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường.
"Doanh nghiệp nào không thực hiện việc đóng cửa mỏ thì sẽ không được tham gia bất kỳ cuộc đấu giá nào liên quan việc cấp quyền khai thác khoáng sản hoặc không được lựa chọn để cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản", bà Xuân đề xuất.