Vừa qua Báo Pháp luật Việt Nam nhận được nội dung đơn của một số hộ dân đang sinh sống tại ngõ 4 phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ kiến nghị về việc dừng thi công dự án cầu Vàng do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Lân Huế làm chủ đầu tư và dự án cái tạo nâng cấp đường dẫn từ cầu Vàng ra QL32 do UBND huyện Thanh Sơn làm chủ đầu tư bởi người dân cho rằng việc thực hiện dự án xây dựng cầu Vàng và dự án cải tạo nâng cấp đường dẫn từ cầu Vàng kết nối QL32 đi khu dân cư mới Soi Cả xã Sơn Hùng chỉ nhằm phục vụ lợi ích của Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Lân Huế (gọi tắt là Công ty Lân Huế trong khi hàng nhiều hộ dân tại ngõ 4 phố Vàng phải di dời nhà ở, nhường đất cho việc xây dựng đường dẫn lên cầu.
Theo phản ánh của người dân hiện nay đã có hai cây cầu kiên cố đảm bảo giao thông đi lại kết nối với khu trung tâm thị trấn Thanh Sơn nên việc UBND huyện Thanh Sơn vẫn chấp thuận chủ trương cho Công ty Lân Huế xây dựng dự án cầu Vàng đặc biệt là dự án cải tạo nâng cấp đường dẫn lên cầu Vàng nối QL32 đi khu dân cư mới Cả Soi bằng tiền ngân sách nhà nước là không cần thiết, có dấu hiệu lãng phí, vì chiếc cầu được xây mới này chủ yếu để phục vụ dự án khu dân cư mới Soi Cả với cái tên thương mại “Thanh sơn Riverside Garden” của Công ty Lân Huế.
Theo tìm hiểu của PV Báo Pháp luật Việt Nam và các tài liệu người dân cung cấp được biết, UBND huyện Thanh Sơn căn cứ vào quyết định phê duyệt quy hoạch chung điều chỉnh chi tiết trung tâm Thị trấn Thanh Sơn theo quyết định số 2345/QĐ-CT ngày 27/7/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.
Từ đó UBND huyện Thanh Sơn đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông Bứa (cầu Vàng) thuộc dự án khu dân mới Soi Cả, xã Sơn Hùng do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Lân Huế làm chủ đầu tư và được Sở GTVT thẩm định thiết kế cơ sở tại văn bản số 495/SGTVT/TD&QLCL ngày 11/3/2020, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công tại văn bản số 1257/SGTVT/TD&QLCL ngày 17/6/2020, với thiết kế bằng bê tông cốt thép và bê tông UHPC ( bê tông cường độ siêu cao) chiều dài 132,15m, sơ đồ cầu 4x30.
Còn dự án cái tạo nâng cấp đường dẫn từ Cầu Vàng ra QL32 do UBND huyện Thanh Sơn làm chủ đầu tư. Công trình được thiết kế với chiều dài L=88,70m (điểm đầu: đầu nối QL32, điểm cuối: đầu nối đầu cầu Vàng và đường vành đai thị trấn, theo tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN 107-207- đường đô thị (đường phố gom). Trong đó hè phố, bó vỉa, rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, được thiết kế đồng bộ theo cấp công trình.
Điểm vuốt nối kết nối vào đường vành đai thị trấn dọc theo bờ sông Bứa đảm bảo các phương tiện cơ giới lưu thông bình thường. Nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án cái tạo nâng cấp đường dẫn từ Cầu Vàng ra QL32 được lấy từ nguồn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân cho biết trong quyết định số 2345/QĐ-CT ngày 27/7/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tại mục 5 Quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật không có hạng mục nào trong quy hoạch chỉ ra việc xây dựng cầu bắc qua sông Bứa (cầu Vàng) đi khu dân mới Soi Cả và dự án nâng cấp cải tạo đường dẫn từ cầu Vàng ra QL32 đi khu dân cư mới Soi Cả.
Vì theo quy hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ nêu rõ quy mô xây dựng mạng lưới hạng tầng kỹ thuật có đoạn quy hoạch mở rộng ven sông Bứa nối khu thể thao với khu làm việc UBND huyện Thanh Sơn và ven sông Bứa với khu 19/5, có mặt cắt đường 13m (lòng đường rộng 7m, vỉa hè 3m+3m=6m) và một số đoạn quy hoạch mới.
Chính điều này, người dân cho rằng việc UBND huyện Thanh Sơn chấp thuận chủ trương cho Công ty Lân Huế làm chủ đầu tư dự án cầu bắc qua sông Bứa (cầu Vàng) và đặc biệt là dự án cải tạo nâng cấp đường dẫn từ Cầu Vàng kết nối ra QL32 bằng tiền ngân sách nhà nước là không cần thiết, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Nghiêm trọng hơn, theo người dân việc làm của UBND huyện có dấu hiệu làm trái quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ chỉ để phục vụ lợi ích cho khu dân cư mới Soi Cả với cái tên thương mại “Thanh sơn Riverside Garden” được thuận lợi cho việc đi lại, bán nhà thương mại cho Chủ đầu tư, có dấu hiệu lợi ích nhóm khi xây dựng cầu Vàng và dự án cải tạo nâng cấp đường dẫn từ cầu Vàng kết nối với QL32.
Liên quan đến sự việc này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết: “ Chỗ này huyện lập dự án ra để làm và sẽ làm. Hiện nay còn một số bà con nhân dân vẫn cố tình chưa thông nhưng trong quy hoạch chung thì huyện phải làm để mở mang ra đường ngang ngõ tắt vì bây giờ có mỗi một cái đường chục thôi khi xây dựng xong cầu vàng và đường gom sẽ kết nối với khu đô thị bên kia để xây dựng bộ mặt đô thị..”.
Trụ sở UBND huyện Thanh Sơn.
Lý giải về việc người dân cho rằng đã có 2 cây cầu ngay bên cạnh kết nối với trung tâm Thị trấn Thanh Sơn thì việc đầu tư xây dựng cầu Vàng và dự án cải tạo nâng cấp đường dẫn từ cầu Vàng nối với QL32 chỉ để phục vụ dự án khu dân cư Soi Cả của Công ty Lân Huế gây lãng phí ngân sách nhà nước trong khi người dân phải di rời nhà cửa?
Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn lý giải: “Đúng là hiện tại đã có 2 cái cẩu rồi nhưng như thế không có nghĩa là đủ bởi bây giờ xây dựng thêm cầu Vàng và dự án đường gom để kết nối hai bờ sông để tạo thuận tiện cho người dân, hơn nữa khi xây dựng cầu Vàng và đường gom xong vừa mở rộng đường hai bên bờ sông cũng như tiếp tục xây dựng hệ thống bờ kề để sau này quy hoạch phát triển khu đô thọ dọc hai bên bờ sông Bứa chỉ để phục vụ người dân và người dân dọc hai bên bờ sông Bứa rất mong có con đường đó đi lại cho thuận tiện, làm khu vui chơi tập thể dục cho người dân...”.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu Vàng và dự án nâng cấp cải tạo đường dẫn từ cầu Vàng ra QL32 được sử dụng bằng nguồn vốn nào?
Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết: “Về cầu Vàng xây dựng bằng nguồn vốn của Công ty Lân Huế tự bỏ tiền ra xây dựng. Còn dự án nâng cấp cải tạo đường dẫn nối từ cầu Vàng ra QL32 là do UBND huyện làm chủ đầu tư vốn dự kiến khoảng vài tỷ đồng. Hiện nay dự án nâng cấp cải tạo đường dẫn từ cầu Vàng ra QL32 mới phê duyệt chủ trương chưa giải phóng xong mặt bằng...Hiện tại tôi đang bận đi họp còn đồng chí Đức trưởng phòng kinh tế hạ tầng hôm nay có việc bận không đến cơ quan nên tôi sẽ chỉ đạo đồng chí Dũng Phó phòng TNMT trao đổi với anh em vì dự án này làm vì cái chung, mà làm cầu hay đường thì dân ở đâu cũng có ý kiến là chuyện bình thường...”.
Tiếp tục PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Phùng Minh Dũng, Phó Phòng TN&MT huyện Thanh Sơn cho biết: “Việc 4 hay 5 hộ dân có đơn kiến nghị dừng việc thi công dự án này tôi cũng nắm được vì là cơ quan tham mưu.
Tôi chỉ nắm được về quy hoạch sử dụng đất chứ còn về dự án, đầu tư, hồ sơ kỹ thuật thì không phải chuyên môn của tôi nên anh em (tức -PV) nên trao đổi với anh Đức, Trưởng phòng kinh tế hạ tầng để nắm thông tin..”.
Được biết, dự án Thanh Sơn Riverside hay còn gọi là Khu dân cư mới Soi Cả nằm ở thị trấn Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Sở hữu địa thế “Tọa Sơn Nghinh Thủy” án ngữ phía trước dự án là dòng sông Bứa chảy hiền hòa mát lạnh, sau lưng là núi Vân với trùng điệp núi đồi. Thanh Sơn Riverside tựa như một bức tranh thủy mạc mang vẻ đẹp yên bình. Khu đất quy hoạch dự án rộng 28 ha với 156 lô biệt thự có diện tích từ 285m2 – 500m2), 251 lô nhà liền kề (diện tích 114m2) đang được triển khai xây dựng.
Đến đây dư luận đặt ra câu hỏi UBND huyện Thanh Sơn căn cứ vào quy hoạch nào để chấp thuận cho Công ty Lân Huế xây dựng cầu bắc qua sông Bứa (cầu Vàng) và căn cứ quy hoạch nào để chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nâng cấp đường dẫn từ cầu Vàng ra QL32 bằng tiền ngân sách nhà nước?
Có hay không việc như người dân phản ánh về việc có dấu hiệu lợi ích nhóm khi đầu tư xây dựng cầu Vàng và dự án mở rộng cải tạo nâng cấp đường dẫn từ cầu Vàng ra QL32?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.