Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong 14 ngôi nhà bị thiệt hại, có 7 nhà của người dân ở huyện Lâm Bình bị sạt lở gây thiệt hại rất nặng từ 50%-70%; 6 nhà dân ở các huyện Yên Sơn và Lâm Bình bị sạt lở gây thiệt hại dưới 30%; thực hiện di dời khẩn cấp 1 nhà dân tại xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn.
Tuyến đường ĐH02 từ xã Thái Bình đi xã Công Đa của huyện Yên Sơn bị sạt lở đất, đá gây ảnh hưởng giao thông. |
Mưa lớn cũng làm hơn 37ha lúa; 5,5ha ngô và hoa màu; 2ha cây trồng hằng năm bị ngập. Làm gãy đổ 5,5ha cây keo, bạch đàn. Nhiều tuyến đường liên xã, thôn tại các huyện Yên Sơn và Na Hang bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Ủy ban nhân dân các huyện Yên Sơn, Lâm Bình, Na Hang đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, phụ trách xuống các xã bị thiệt hại nắm bắt tình hình và thống kê thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ có nhà bị sạt lở đất, đá khắc phục hậu quả; hướng dẫn nhân dân biện pháp khắc phục khôi phục sản xuất đối với diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng.
Nhà dân thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình bị đá văng gây hư hại mái. |
Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các địa phương, thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống lụt bão, nêu cao tinh thần chủ động khẩn trương theo phương châm "4 tại chỗ", chủ động bám sát tình hình mưa bão, không để ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân.
Đồng thời, rà soát lại hệ thống kênh mương, hệ thống tiêu thoát nước, kể cả trong khu dân cư, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng đề xuất kịp thời các phương án phòng, chống mưa lũ. Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo các xã, tại những vị trí ngập úng, cầu tràn qua suối, tuyệt đối cấm người dân và phương tiện đi qua khu vực nước chảy xiết, gây nguy hiểm tính mạng.