Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương khẳng định, địa phương sẽ tập trung khắc phục khó khăn để thực hiện các mục tiêu đề ra tại chiến lược hạ tầng số, kinh tế số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số, đáp ứng các yêu cầu thực tế. Đẩy mạnh truyền thông, đổi mới sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế.
"Tuyên Quang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị cung cấp nền tảng số, ứng dụng số, giải pháp số để tỉnh có bước phát triển đột phá về chuyển đổi số cũng như đạt được mục tiêu đã đề ra", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, chia sẻ những mô hình sáng tạo trong quá trình thực hiện tăng cường hạ tầng số và đổi mới sáng tạo ứng dụng số; đánh giá những kết quả đã đạt được và tìm hiểu nguyên nhân những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện chuyển đổi số hiện nay.
Tại Tuyên Quang công tác chuyển đổi số luôn được quan tâm hàng đầu. Đến năm 2022, chuyển đổi số địa phương này xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố và tăng 10 bậc so với năm 2021.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính tỉ trọng tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Tuyên Quang năm 2023 là 6,19% (tăng 0,17% so với năm 2022, tăng 0,35% so với năm 2021).
Tuyên Quang đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% và đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP. Phấn đấu đến năm 2025 là một trong những tỉnh xếp hạng khá, đến năm 2030 là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc.