Toàn cảnh Trại lợn Đức Chính (Cao Bằng). Ảnh: Tân Văn
Trại lợn bảo tồn giống quý giữa núi rừng Cao Bằng
Trại chăn nuôi lợn giống cấp I Đức Chính - thuộc Công ty Cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi Cao Bằng - từng là một trong những cơ sở giữ vai trò đầu tàu trong việc bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm của đàn lợn bản địa. Được thành lập từ năm 1973, trại có tổng diện tích 3,2ha, với hệ thống chuồng trại quy mô 2.800m², bao gồm 2 khu chăn nuôi lợn nái sinh sản, 1 khu lợn đực giống và khu cách ly đạt tiêu chuẩn.
Trong thời kỳ hưng thịnh, trước năm 2019, Trại lợn Đức Chính là nơi nuôi dưỡng và phát triển hàng trăm con lợn giống Móng Cái thuần và lợn đen Tắp Ná - giống lợn bản địa đặc trưng của tỉnh Cao Bằng. Trại duy trì đàn gồm hơn 300 con nái Móng Cái, gần 200 con nái Tắp Ná cùng hàng chục con lợn đực giống quý, có nhiệm vụ duy trì và bảo tồn nguồn gen đặc hữu, khó tìm thấy trên thị trường.
Không chỉ tập trung vào lợn, trại còn sản xuất, cung ứng giống gia cầm các loại với chất lượng bảo đảm, phục vụ nhu cầu chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, trại cung cấp khoảng 5.000 con lợn giống sinh sản và lợn thương phẩm, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng chục cán bộ, công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp chăn nuôi.
Tuy nhiên, bước ngoặt đã xảy đến vào tháng 6.2019 khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát dữ dội, càn quét toàn bộ đàn lợn với 1.666 con bị tiêu hủy. Tổng trọng lượng số lợn tiêu hủy lên đến hơn 40 tấn, gây thiệt hại trên 10 tỉ đồng.
Sau biến cố này, Công ty Cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi Cao Bằng không đủ nguồn lực tái đàn. Trại lợn Đức Chính chính thức “đóng băng” hoạt động, rơi vào tình trạng bỏ hoang suốt nhiều năm, còn người lao động phải rời bỏ nơi từng gắn bó để tìm kiếm kế sinh nhai mới.
Dấu hỏi lớn cho việc bảo tồn nguồn gen
Ghi nhận thực tế của phóng viên hiện nay cho thấy, cảnh hoang tàn vẫn bao trùm trại lợn từng sôi động một thời. Cỏ dại mọc um tùm, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Một số dãy chuồng có dấu hiệu được cải tạo lại và biển tên “Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm Anh” được treo trước cổng trại.
Người dân địa phương cho biết, sau đợt dịch năm 2019, trại bị bỏ không. Mới gần đây, họ thấy có Hợp tác xã Lâm Anh đưa lợn vào chăn nuôi.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Xuân Đông - đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi Cao Bằng - xác nhận, trại vẫn có người trông coi thường xuyên. Việc Hợp tác xã Lâm Anh xuất hiện tại khu vực trại lợn nhiều khả năng chỉ là hoạt động gửi nuôi tạm thời.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến trại không thể phục hồi sau dịch không chỉ đến từ thiệt hại do bệnh dịch gây ra, mà còn do tình hình tài chính khó khăn kéo dài của công ty chủ quản. Công ty hiện đang trong quá trình thoái vốn Nhà nước, dẫn đến không thể đầu tư mới hoặc tiếp tục duy trì các chương trình bảo tồn giống.
Câu chuyện của Trại lợn Đức Chính không chỉ là nỗi tiếc nuối về một mô hình chăn nuôi hiệu quả, mà còn đặt ra câu hỏi lớn về chiến lược bảo tồn các nguồn gen động vật bản địa quý hiếm. Các giống lợn như Tắp Ná hay Móng Cái thuần - từng được bảo tồn trong trại - là một phần di sản sinh học của địa phương. Việc để cơ sở bảo tồn rơi vào cảnh hoang tàn kéo dài sẽ là tổn thất lớn không chỉ về kinh tế mà cả về giá trị gen lâu dài.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc khôi phục những trại giống như Đức Chính - dù khó khăn - vẫn rất cần được xem xét nghiêm túc.