Trường THCS Cao Ngạn có 427 học sinh, chia làm 12 lớp học ở 4 khối, từ lớp 6 đến 9. Trước đây, Nhà trường chỉ có 1 dãy nhà lớp học, với 8 phòng nên không đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Trường phải chia làm 2 ca học sáng - chiều; thiếu phòng học bộ môn nên giáo viên thường phải cho học sinh thực hành ngay tại lớp học…
Trước thực tế này, từ nguồn vốn ngân sách, UBND TP. Thái Nguyên đã đầu tư trên 12,8 tỷ đồng để xây dựng 1 khối nhà lớp học 3 tầng, 12 phòng học, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ, như: Nhà để xe, tường rào, sân bê tông...
Cô giáo Dương Thu Trang, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Năm học 2024-2025, Nhà trường đã được bàn giao và đưa vào sử dụng các hạng mục thành phố đầu tư. Có thêm dãy nhà lớp học mới nên Nhà trường đã bố trí đầy đủ các phòng học, thực hành và bộ môn; học sinh chỉ học 1 ca sáng. Có nhà để xe mới, rộng rãi nên mỗi lớp đã được bố trí 1 khu vực riêng, không phải xếp chật chội như trước. Mới đây, Trường THCS Cao Ngạn cũng được UBND thành phố đầu tư thêm 50 bộ bàn ghế, 16 bộ máy tính và 10 chiếc ti vi.
Cô giáo Hà Thị Quỳnh, Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Quang Vinh, cho biết: Thời gian qua, Nhà trường nhận được nhiều sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp TP. Thái Nguyên, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố trong công tác dạy và học, đặc biệt là việc đầu tư cơ sở vật chất.
Sau cơn bão số 3 hồi tháng 9 năm 2024, Nhà trường bị đổ gần 300m tường rào; trụ cột, biển hiệu cổng trường cũng bị hư hỏng nặng. Ngay sau đó, UBND TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, đồng thời đầu tư trên 1 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng. Đến thời điểm này, cơ bản các hạng mục đã hoàn thành, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 1-2025.
Ngoài Trường THCS Cao Ngạn, Tiểu học Quang Vinh, thời gian qua, UBND TP. Thái Nguyên chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho nhiều trường học. Theo đó, UBND thành phố đã xây dựng, triển khai Đề án phát triển giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể là tiếp tục hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất; củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục… Tổng kinh phí thực hiện Đề án trên 878 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2024, UBND TP. Thái Nguyên đã xây dựng mới 100 phòng học, bộ môn, chức năng; sửa chữa 48 phòng học, bộ môn; xây dựng 4 công trình phụ trợ; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy và học; sửa chữa các hạng mục nhỏ, như: Sân, cổng, hàng rào…, với tổng kinh phí đầu tư trên 252 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ nguồn thu sự nghiệp, nguồn ngân sách chi thường xuyên hàng năm, trong 4 năm qua (từ năm 2021 đến 2024), nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã đầu tư trên 56 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất, như: Mua sắm, sửa chữa phòng học, chức năng, tài sản, trang thiết bị dạy học…
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được bổ sung góp phần nâng tỷ lệ phòng học được kiên cố, đáp ứng nhu cầu dạy và học của các nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học chiếm khoảng 97% (tổng số phòng học của các trường trên 2.000 phòng).
Việc đầu tư đúng mức cho cơ sở vật chất giáo dục giúp TP. Thái Nguyên huy động học sinh ra lớp từ mầm non đến THCS đạt 100%; thành phố có 115/122 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 94,3% (tăng 5,6% so với năm 2020); 2/22 trường ngoài công lập đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 9,1%...