Theo đó, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lý Thị Sông, sinh năm 1970, trú tại bản Tà Dông, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”. Khoảng 20 giờ, ngày 2/1/2024, tại bản Tà Dông, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, Tổ công tác tội phạm về ma túy, Công an huyện Mù Cang Chải bắt quả tang Lý Thị Sông đang có hành vi mua bán ma túy.
Trước đó, Lý Thị Sông mua của một người không quen biết 1 cây hêrôin, khối lượng 34,8 gam rồi đem đi bán nhưng chưa kịp bán thì bị cơ quan công an bắt giữ cùng toàn bộ vật chứng. Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lý Thị Sông 15 năm tù.
TAND tỉnh đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Đặng Văn Vui, sinh năm 1988 và vợ là Vi Thị Hưởng, sinh năm 1995, cùng trú tại thôn Cối Máy, xã Yên Thành, huyện Yên Bình về hành vi "Trộm cắp tài sản”.
Trong khoảng thời gian từ 9/8/2022 đến 12/8/2022, Vui và Hưởng điều khiển 1 chiếc thuyền xi măng kim loại có động cơ nổ gắn với chân vịt lấy trộm của gia đình anh Lý Văn Thức 45 rọ tôm bát quái loại 29 khung kim loại tại khu vực hồ Thác Bà, thuộc thôn Ngòi Hương, xã Yên Thành, huyện Yên Bình. Ngày 11/4/2023, Vi Thị Hưởng tiếp tục ăn trộm của gia đình anh Đặng Văn Tấn 30 chiếc rọ tôm loại 29 khung kim loại. Ngày 19/4/2024, bị hại Lý Văn Thức và Đặng Văn Tấn có đơn kháng cáo đề nghị tăng mức bồi thường thiệt hại. Hội đồng xét xử quyết định, sửa bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Yên Bình về phần bồi thường thiệt hại như sau: bị cáo Vui và Hưởng phải bồi thường cho Lý Văn Thức 15 triệu đồng (đã bồi thường 7 triệu đồng); bị cáo Hưởng phải bồi thường cho Đặng Văn Tấn 10 triệu đồng (đã bồi thường 5 triệu đồng).
Đây là phiên tòa rút kinh nghiệm có truyền hình trực tuyến đầu tiên của TAND tỉnh Yên Bái đến TAND hai cấp các tỉnh cùng thuộc địa hạt thẩm quyền tư pháp của TAND cấp cao tại Hà Nội. Phiên tòa được triển khai theo Chỉ thị số 01 của Chánh án TAND Tối cao nhằm tạo ra bước chuyển biến lớn trong công tác giải quyết, xét xử các loại án, nâng cao kỹ năng điều hành, xử lý tình huống của thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các hoạt động tố tụng khác theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay. Đồng thời, giúp thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thẩm tra viên, thư ký tòa án nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác xét xử.
Kết thúc 2 phiên tòa xét xử, lãnh đạo TAND tỉnh đã chủ trì phiên họp rút kinh nghiệm trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; các thẩm phán, hội thẩm nhân dân, công chức có chức danh tư pháp của TAND tỉnh; TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND hai cấp 28 tỉnh. Tại đây, các đại biểu đã đánh giá ưu điểm, những tồn tại trong việc điều hành phiên tòa của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, các kỹ năng điều hành tranh tụng, xét hỏi, xử lý tình huống của hội đồng xét xử, kiểm sát viên; đồng thời, trao đổi một số nội dung cần rút kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử thời gian tới.