Tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên, giáo viên vùng cao mừng rơi nước mắt

28/06/2024 14:33

Thông tin tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên khiến nhiều nhà giáo “thở phào”, thậm chí không ít giáo viên đã rơi nước mắt vì những nỗ lực được nhà nước công nhận.

tham-nien-1719559903.jpg
Vừa tăng lương, vừa được giữ lại phụ cấp thâm niên, với giáo viên đây là niềm vui kép. Ảnh: Khánh Linh

Vui mừng, phấn khởi là tâm trạng chung của nhiều giáo viên trên cả nước trước thông tin được giữ lại khoản phụ cấp thâm niên từ 1.7.2024.

Không giấu nổi niềm vui, chia sẻ với PV Báo Lao Động, cô giáo Phạm Thị Hồng Phượng - trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nói: "Thực sự chúng tôi đã thấp thỏm mong ngóng từng ngày, cho đến khi có kết luận về việc tăng lương cơ sở và được giữ lại phụ cấp thâm niên chúng tôi đã không giấu được xúc động, có những giáo viên đã rơi nước mắt".

Bén duyên với mảnh đất vùng cao Mai Sơn của tỉnh Sơn La, đã hơn 20 năm nay, cô Phượng vẫn miệt mài gieo chữ, gieo yêu thương cho học sinh dân tộc thiểu số nơi đây. Kể từ khi có thông tin sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề khiến nữ giáo viên cùng đồng nghiệp không khỏi trăn trở.

phu-cap-tham-nien-1719559933.jpg
Cô giáo vùng cao và học trò với bữa cơm trắng thêm vài con cá khô. Ảnh: Khánh Linh

"Nghề giáo đã muôn vàn vất vả nhưng giáo viên ở vùng cao vất vả bội phần. Thầy cô giáo vừa là thầy, vừa là cha mẹ, chăm cho các em từng miếng ăn giấc ngủ. Ở những ngôi trường bán trú trong bản sâu, các thầy cô phải gửi con nhỏ ở nhà, lội quãng đường đất hàng chục cây số để vào cắm bản, dạy học sinh vùng sâu, vùng xa.

Khi biết phụ cấp thâm niên được giữ lại, chúng tôi hiểu rằng, những nỗ lực của giáo viên đã được ghi nhận và yên tâm cống hiến" - cô Phượng nói.

Thầy giáo Trần Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Nà Khoang (xã biên giới Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) cho hay: "Việc giữ lại phụ cấp thâm niên khiến không chỉ giáo viên mà đội ngũ nhà giáo quản lý cũng rất phấn khởi. So với giáo viên ở miền xuôi, các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa vất vả trăm bề. Từ đường xá đi lại xa xôi đến cơ sở vật chất muôn vàn thiếu thốn".

Theo thầy Chiến, anh đã tận mắt chứng kiến nhiều giáo viên nữ đang mang thai vẫn hàng ngày đi hàng chục cây số đường đất đến điểm trường mầm non ở bản xa dạy các em nhỏ.

tien-luong-1719559973.jpg
Với học sinh vùng cao, thầy cô vừa là thầy, vừa là cha mẹ. Ảnh: Khánh Linh

Bà Lò Thị Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp cho hay, việc được giữ lại phụ cấp thâm niên không chỉ ghi nhận những cống hiến của giáo viên mà còn tiếp thêm động lực cho các thầy cô gắn bó với nghề.

"Đây cũng được coi là niềm vui kép đối với ngành giáo dục khi vừa tăng lương, vừa được giữ lại phụ cấp thâm niên. Với thời buổi vật giá leo thang, việc tăng lương không đuổi kịp với giá cả tăng thì mỗi đồng lương, phụ cấp với giáo viên đều rất quý" - bà Hạnh nói.

Phụ cấp thâm niên là khoản tiền trả cho người lao động làm việc liên tục nhiều năm trong một cơ quan ở một lĩnh vực nhất định. Với giáo viên, khoản phụ cấp này được quy định tại Nghị định 77/2021/NĐ-CP. Mức lương và cách tính tiền phụ cấp thâm niên giáo viên như sau:

Nhà giáo tham gia giảng dạy giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Tại kết luận 83-KL/TW về cải cách tiền lương, Bộ Chính trị đã đồng ý tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1.7.2024. Đồng thời, các khoản phụ cấp hiện hưởng, bao gồm phụ cấp thâm niên vẫn được giữ lại.

 

MINH NGUYỄN