Lai Châu cần phải khai thác tốt những lợi thế này, biến thành những sản phẩm chủ lực để phát triển kinh tế địa phương.
![Chú thích ảnh](https://cdnmedia.baotintuc.vn/Upload/3qVxwVtNEPp6Wp9kkF77g/files/2025/02/13/che-co-thu-130225-1.jpg)
Vùng chè cổ thụ tại bản Tả Lèng Lao Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường nằm ở độ cao 1.400 m đến 1.600 m so với mực nước biển trên hành trình khám phá đỉnh Tả Liên Sơn. Đây là vùng chè cổ hàng trăm, thậm chí ngàn năm tuổi. Những thân cây chè to lớn đến vài người ôm, rêu mốc, xù xì, cành lá sum suê, trải dài theo những ngọn núi.
Theo người dân ở đây, vùng chè cổ này được chia thành 2 loại là Bạch trà cổ và Hồng trà cổ. Để phân biệt 2 loại này, loại lá chè có viền mép lá màu hồng tía là Hồng trà cổ. Loại lá và búp chè đều một màu xanh là bạch trà cổ. Khi đun lên, màu nước xanh nhạt, vị ngọt thanh, mùi thơm thoang thoảng.
Theo trưởng bản Tả Lèng Lao Chải Giàng A Thanh, từ nhỏ lên rừng hái loại chè này uống thường xuyên nhưng không biết là chè quý. Giờ được cán bộ tuyên truyền, chúng tôi biết đây là cây chè quý nên bà con cùng nhau bảo vệ, thu hái đúng cách để cây chè sinh trưởng và phát triển.
Tại huyện Phong Thổ, vùng chè cổ thụ Shan tuyết phân bố trải dài ở nhiều xã như: Mồ Sì San, Hoang Thèn, Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn và Dào San, nơi có những bản người Dao, Mông sinh sống. Đơn cử như tại xã Mồ Sì San có 1.700 gốc chè Shan tuyết cổ thụ. Xã Hoang Thèn có hơn 600 cây chè Shan tuyết cổ thụ tập trung ở hai bản Tả Lèng và Xin Chải. Hai xã này đã thành lập được các hợp tác xã, cho ra những sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ có giá trị kinh tế cao, rất được người dùng ưa chuộng.
Ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, toàn huyện có khoảng 8.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ. Huyện cũng đã ban hành đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ trên địa bàn huyện Phong Thổ".
Hiện toàn tỉnh Lai Châu có khoảng 16.509 cây chè cổ thụ tự nhiên, phân bố theo các đỉnh núi ở các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên… Tỉnh Lai Châu đang có các chính sách hỗ trợ và hướng phát triển đối với loại cây này để bảo tồn, phát triển những cây chè cổ thụ quý giá. Đồng thời, đây là nguồn lực phát triển kinh tế địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển du lịch trải nghiệm.
Giá trị kinh tế từ những vùng chè cổ thụ
Là huyện có số lượng cây chè cổ thụ nhiều nhất tỉnh Lai Châu, Phong Thổ đã bước đầu xây dựng được thương hiệu, sản xuất, phát triển các sản phẩm trà cổ thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại xã Mồ Sì San, những loại sản phẩm OCOP như: Bạch trà, Hồng trà, Hoàng trà và trà xanh với thương hiệu “Trà cổ Mồ Sì San” rất được ưa chuộng. Giá bán các loại trà từ 2-3 triệu đồng/kg. Điều này cho thấy giá trị rất cao từ chè cổ thụ. Mỗi năm, địa phương này cung cấp ra thị trường khoảng 1,5 tấn trà khô cổ thụ.
Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San Tẩn Chin Lùng chia sẻ, chè cổ thụ chỉ hái được trong khoảng thời gian 3 tháng. Bà con phải thu hái đúng hướng dẫn để chè còn sinh trưởng và phát triển nên số lượng được ít. Bà con cũng đã nhân giống, tìm những vùng trồng thích hợp để mở rộng vùng nguyên liệu nhưng phải cần thời gian để chè sinh trưởng.
Tại xã Hoàng Thèn, thương hiệu “Trà cổ thụ Hoang Thèn” cũng đã ra đời. Xác định đây là cây trồng giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, từ năm 2021, xã đã trồng được 22 ha giống chè cổ thụ để bà con chăm sóc. Đến nay, diện tích chè này phát triển tốt.
Từ kinh nghiệm của Mồ Sì San, Hoang Thèn, nhiều xã như Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn và Dào San của huyện Phong Thổ cũng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu từ cây trà Shan tuyết cổ thụ thành sản phẩm trà cao cấp để đưa đến người tiêu dùng.
![Chú thích ảnh](https://cdnmedia.baotintuc.vn/Upload/3qVxwVtNEPp6Wp9kkF77g/files/2025/02/13/che-co-thu-130225-2.jpg)
Huyện Phong Thổ xác định chè Shan tuyết cổ thụ là cây trồng giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, có hướng phát triển đúng đắn, xác định vùng tập trung để phát triển vùng chè Shan tuyết cổ thụ lên tới 120ha trong giai đoạn 2021-2025.
Mới đây, trước Tết Nguyên đán 2025, Đoàn khảo sát của UBND tỉnh Lai Châu do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải dẫn đầu đã kiểm tra vùng chè cổ thụ tại bản Tả Lèng Lao Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đề nghị cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện rà soát, kiểm kê lại toàn bộ vùng chè cổ thụ. Dù chè cổ thụ đã trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh nhưng vẫn cần phải tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm hơn nữa, vận dụng tối đa các chương trình, dự án để quy hoạch vùng, tu sửa đường lên vùng chè cổ. Tuyên truyền tới bà con trong bản, trong xã để bà con xác định mình chính là chủ thể trong bảo vệ và thụ hưởng lợi ích từ rừng, từ cây chè cổ, từ đó cùng tham gia vào các phần việc theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Nếu khai thác tốt tiềm năng từ những vùng chè cổ thụ, Lai Châu sẽ có nhiều sản phẩm trà hảo hạng, đa dạng và giá trị kinh tế cao. Đây là hướng phát triển bền vững giúp người dân ở những vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế ổn định.