Thung lũng trường thọ

11/10/2022 20:36

Hoà Bình - Xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, trước đây vẫn gọi là Lũng Vân hay Thung Mây, được mệnh danh là 'chốn bồng lai tiên cảnh', khí hậu trong lành.

Vân Sơn là một trong bốn cái nôi văn hóa lớn và cổ xưa nhất ở xứ Mường tỉnh Hòa Bình. Cùng với những truyền thuyết đi vào đời sống thường ngày của người Mường ở đây, xứ Mường Chậm đang trở thành một nơi để người dân khắp nơi tìm về thụ hưởng không khí yên bình.

Xứ Mường Chậm có nhiều người trường thọ

Theo chân ông Hà Công Cọt - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Vân Sơn, chúng tôi đến thung lũng nằm ở độ cao trên 1.200m, được bao bọc bởi những ngọn núi Pó, núi Trâu, núi Tiên trùng trùng điệp điệp, đẹp như một vùng cổ tích này.

z3673733731395_fcacf39b53baa17e996a649c219cabde

Khu dân cư xóm Chiềng, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình nằm lọt thỏm giữa thung lũng ở độ cao trên 1.200m

Giới thiệu với chúng tôi, ông Cọt kể lại câu chuyện của các cụ cao niên nơi đây truyền lại qua biết bao thế hệ con cháu. Trong xứ Mường ở tỉnh Hòa Bình, Mường Chậm là xứ Mường trẻ nhất, nằm ở địa thế sâu, xa nhất. Nó là kết quả của cuộc trốn chạy quan lang của một gia đình nghèo ở xứ Mường Bống, đất Lạc Sơn, vì phạm tội với nhà Lang nên phải bồng bế nhau băng rừng, vượt núi, tìm đất ở mới. Cuộc trốn chạy kéo dài, ngày này qua ngày khác. Họ cứ mải miết đi, mải miết trốn chạy, cho đến khi lạc vào một vùng rừng núi hoang vu, cây cối rậm rạp. Tại đây, nghe thấy tiếng chim cuốc kêu, biết là vùng có nước, có thể ở nên họ đã dừng chân lại khai khẩn đất hoang, xây dựng cuộc sống mới. Dần dần, có thêm người mới đến làm lên một xứ Mường Chậm đầm ấm, yên vui giữa núi rừng, thiên nhiên yên bình.

Ông Cọt cho biết, Vân Sơn hiện vẫn bị xếp vào xã nghèo nhất nhì huyện Tân Lạc. Tuy nhiên, đây lại là xã có nhiều cụ già thọ 100 tuổi mà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. "Hơi tiếc một tý tính đến đầu năm nay các cụ trăm tuổi đã khuất núi hết rồi giờ chỉ còn lại các cụ cỡ 90 thôi nhưng vẫn còn... thanh niên lắm", ông Cọt kể. Người thọ nhất là cụ Đinh Thị Huệ, sinh năm 1897, mất năm 2021, thọ 114 tuổi. Trước cụ Huệ, cũng có 2 cụ ở xóm Chiềng mất lúc 112 tuổi.

Dừng chân tại nhà ông y sĩ già, tại xóm Chiềng, ông Hà Công Quý và bà Bùi Thị Đạn ở cái tuổi ngấp nghé 90 nhưng đập vào mắt chúng tôi là cụ ông đang thoăn thoắt bê chum rượu thuốc nặng hàng chục cân từ trong kho ra chắt, cụ bà thì vừa tất bật bê vác, dọn dẹp nhà cửa, vừa trông đứa cháu nhỏ vẫn đang say giấc nồng, tất cả để chuẩn bị cho một buổi tụ họp quây quần con cháu, hàng xóm láng giềng. 

Ông Cọt cười bảo: "Thấy chưa, hãy còn thanh niên lắm". Thấy chúng tôi còn đang ngơ ngác, ông Quý đặt vội chum rượu xuống vồn vã bắt tay, kéo "xềnh xệch" chúng tôi vào nhà, mời chúng tôi thứ nước uống nấu từ nhiều loại cây thuốc mang hương vị đặc trưng của xứ Mường nơi đây theo công thức được truyền lại từ đời này qua đời khác. 

Người Mường ở Hòa Bình có tục lệ ăn Tết Độc lập, sau khi Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, người Mường Vân Sơn đã đưa ngày này vào phong tục, tập quán. Đây là ngày tết lớn thứ 2 sau Tết Nguyên đán, thậm chí còn ăn cỗ to hơn cả ngày hội mừng "cơm mới".

z3673727438665_7269a133e30e51fe7c5732d0d3f2a5a2

Cụ ông Hà Công Quý và cụ bà Bùi Thị Đạn bên quầy thuốc tây nhỏ do con cháu sắm cho. 

Gia đình ông bà hiện có 4 thế hệ con cháu, gồm 7 người con, hơn nửa là đi làm ăn ở các xã, các huyện lân cận, nhà có mấy đứa cháu, đứa chắt nhân dịp hè về chơi với ông bà. "Nếu tính đầy đủ con cháu thì khoảng 30 người, dịp nào có ngày tập hợp đông đủ gia đình tôi cũng phải chuẩn bị gần chục mâm, ấy là còn chưa kể hàng xóm sang chung vui", bà Đạn kể. 

Cách đây khoảng 2 năm, ông bà vẫn đi nương, cắt cỏ cho trâu bò, con cháu không cho đi nhưng ông bà vẫn cứ ra nương với bà con cho đỡ buồn. Năm ngoái bà bệnh nặng phải điều trị tại bệnh viện nên giờ cũng ít đi, con cháu mở cho bà hàng tạp hóa và sắm cho ông cái quầy thuốc tây nho nhỏ do ông trước làm y sĩ. Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ bà vẫn tính toán đâu ra đấy, cụ ông vẫn xem được đơn thuốc hướng dẫn tỉ mỉ cho người đến mua.

Rồi ông Cọt đưa chúng tôi đến nhà cụ bà Hà Thị Chụm, 97 tuổi. Tại đây chúng tôi gặp ông Hà Công Đằng, con thứ 6 của cụ, năm nay 60 tuổi. Biết chúng tôi đến tìm cụ, ông Đằng cười: "Các anh chờ một chút, mẹ tôi đi hái củi giờ này chắc cũng sắp về rồi". Chờ khoảng 20 phút, ông Đằng reo lên: "A cụ về rồi kia kìa". Theo hướng tay chỉ, chúng tôi nhìn thấy một cụ bà nhỏ thó gùi trên lưng bó củi nặng cả chục cân lững thững đi đến.

z3673727243496_aee8c49954b4c8bf08f04044f84044b7

Cụ bà Hà Thị Chụm, 97 tuổi, hàng ngày vẫn lên rừng kiếm củi về bán hoặc đi làm cỏ ngô.

Thấy chúng tôi chạy ra đỡ, cụ xua tay và tươi cười chào mời chúng tôi vào nhà. Móm mém trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng dân tộc, chúng tôi không nghe ra, may được ông Cọt và ông Đằng phiên dịch. Cụ bảo, ở cái tuổi này, con cháu không cho cụ đi nương, chỉ cho cụ đi làm cỏ ngô, nhưng với tuổi tác như hiện tại cụ vẫn làm được một bao. Mệt lúc nào cụ về lúc đấy.

Ngoài ra, cụ vẫn lên rừng kiếm củi đem về bán. “Mỗi bó củi to bán chỉ được vài chục nghìn đồng, nhưng già rồi, ăn ít, nên cũng chẳng tốn là bao. Hết tiền thì đem củi đi bán, còn tiền thì mang củi về để dùng dần", cụ cười và bảo đi cho khỏi còng lưng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đằng kể, cụ có 6 người con trai, cách đây 2 năm cụ ở riêng, không thích ở cùng con cháu. Cụ tự nấu nướng lấy. Nay lớn tuổi quá rồi, con cháu vận động mãi cụ mới chịu về ở chung. Nhưng cụ vẫn làm việc cho đỡ buồn chân buồn tay và để đỡ việc cho con cháu. “Người trẻ bây giờ còn thua các cụ ngày xưa”, ông Đằng cười bảo.

Bí quyết trường thọ

Hỏi về bí quyết trường thọ, cụ Chụm móm mém nở nụ cười nhân hậu, chia sẻ rằng, đó là nhờ không khí trong lành và sự hài hòa, cân bằng giữa con người với thiên nhiên. Văn hóa Mường nói chung đề cao sự thích nghi một cách ôn hòa, nhiều bí quyết văn hóa, tập quán tới các bài thuốc quý giúp con người chống chọi với sự đổi thay, khắc nghiệt được truyền tụng lại. Vân Sơn là sự hòa hợp của ba con suối lớn: Suối Hượp, suối Trong và suối Miêu. Người trong bản bao đời dùng nước đó sinh hoạt, tất cả đều từ núi, từ rừng.

z3673727302775_1c4a0d5a92968fb5e6db50ec7d51c586

Dù đã lớn tuổi nhưng cụ Chụm vẫn làm việc nhà, hàng ngày cơm nước cho con cháu.

Đặc biệt, người Vân Sơn không bao giờ ăn gan động vật. Trà uống hàng ngày của người Vân Sơn đều là các vị thuốc được lấy trong rừng về phơi khô rồi đun lấy nước uống. Loại nước này được người Vân Sơn dùng để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Mùa hè uống sẽ hạ nhiệt nhanh chóng, cảm giác mát lạnh, mùa đông lại có thể giữ ấm cho cơ thể rất tốt trước cái lạnh khiến nước đóng băng.

Đó cũng là loại nước “đàn bà uống vào nhiều sữa, đàn ông uống vào tráng kiện”. Lá trên núi, vỏ cây trong rừng, người dân Vân Sơn không có tên gọi cụ thể cho từng loại nhưng quanh năm, họ đều uống bằng thứ nước ấy. Chỉ họ mới biết được lá nào, vào mùa nào cần hái, mùa nào không nên hái.

Gặng hỏi mãi về tên các loại cây mà người Mường sử dụng làm nước uống, ông Cọt mới chia sẻ, phần nhiều loại cây người Mường nơi đây không có tên gọi cụ thể, "như nước các cậu vừa uống là trà uống vào mùa hè có cây ngũ gia bì, cây klơ klẳng, cây khăng klé và một số loại cây khác nữa". Thực sự thứ thức uống ấy đã đánh tan sự mệt mỏi của chúng tôi sau chặng đường dài tìm đến xứ Mường nơi đây.

Cuộc sống hạnh phúc ở “làng trường thọ" và “chốn bồng lai tiên cảnh” là thế, quanh năm mây trắng bao phủ, khí hậu trong lành, cùng với những truyền thuyết của xứ Mường Chậm khiến khách phương xa cảm thấy thật yên bình, thanh thản.

Huy Bình - Bảo Thắng
Bạn đang đọc bài viết "Thung lũng trường thọ" tại chuyên mục Đời sống.