Thực trạng quản lý đất đai - Nỗi lo còn đó - Những bất cập trong công tác giao đất và sử dụng đất ở Lục Yên

21/08/2022 23:19

Yên Bái - Thực tế cho thấy, lĩnh vực đất đai luôn là một trong những vấn đề nóng bỏng, gây ra nhiều bất đồng quan điểm giữa chính quyền với nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này, là do công tác quản lý nhiều nơi còn buông lỏng, người dân chưa nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân khác, nhất là những vùng miền có dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng, nhưng công tác quy hoạch và lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn không thỏa đáng, dẫn tới những hệ lụy khiếu kiện kéo dài, gây ảnh hưởng môi trường, đời sống cộng đồng dân cư. Cùng với đó, là các quy định của pháp luật đất đai về trình tự, thủ tục thu hồi đất còn chưa đầy đủ, chưa lấy ý kiến đông đảo người dân khu vực bị ảnh hưởng.

Vậy, nguyên nhân thực sự của hiện trạng trên từ đâu? Qua khảo sát, phân tích, nghiên cứu từ thực tiễn, Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường tiếp tục triển khai chuyên đề “Thực trạng quản lý đất đai - Nỗi lo còn đó”. Qua đó, đưa đến những góc nhìn vĩ mô, đồng thời nêu lên mặt trái của vấn  đề này tại một số khu vực điển hình, trong đó có Yên Bái.

Nguyên nhân thực trạng và cách thức xử lý

Phóng viên tòa soạn đã có những ngày thực địa tại tỉnh Yên Bái, để lắng nghe những bức xúc, băn khoăn của người dân trong công tác quản lý đất đai của chính quyền nơi đây, từ đó phân tích nguyên nhân, đánh giá vấn đề, đưa đến thông đưa đa chiều, khách quan. 

Câu chuyện đầu tiên chúng tôi tiếp nhận xảy ra ở xã Vĩnh Lạc (huyện Lục Yên). Có thể thấy, việc buông lỏng quản lý đất đai của lãnh đạo xã Vĩnh Lạc thì hiếm nơi nào có tiền lệ. Mặc dù UBND huyện đã ra kết luận và báo cáo về UBND tỉnh Yên Bái, nhưng điều khó hiểu là lãnh đạo xã này vẫn không phải nhận bất kì một hình thức kỷ luật nào. 

Nhận diện thực trạng quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Nhận diện thực trạng quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Xã làm các biển bảng cấm xây dựng trên phần đất do nhà nước quản lý

Những vấn đề thiếu sót, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai đã dẫn đến khiếu kiện kéo dài trong quần chúng nhân dân. Mặc dù đã có những cuộc họp, hàng loạt giấy mời, kết luận thanh tra và nhiều loại biên bản, nhưng đâu vẫn hoàn đó, như chưa có chuyện gì xảy ra. Các lãnh đạo UBND xã qua các thời kỳ, và hiện tại là ông Lự Kim Vy, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lạc vẫn ung dung tại vị. Theo phản ánh của bà con, thì những chỉ đạo của vị lãnh đạo này đưa ra ngày càng đi xa lòng dân trong nhiệm kì làm việc.

Tranh chấp quyền sử dụng đất giữa người dân với chính quyền xã

Trên địa bàn xã hiện có khiếu kiện giữa 10 hộ dân với UBND xã về quyền sử dụng đất tại khu vực Ao Xanh, xã Vĩnh Lạc. Theo thông tin về nguồn gốc đất là do ông Hoàng Văn Sinh và bà Hoàng Thị Mùi khai phá, sử dụng không có tranh chấp từ năm 1960, sau đó có để lại cho con, cháu. Đến ngày 17/4/2019 có Quyết định số 656/QĐ-UBND và Thông báo số 38/TB-UBND cùng ngày (17/4/2019) của UBND tỉnh Yên Bái, khu đất này được thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng, khu trưng bày sản phẩm và nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng của Hợp tác xã Đại Sơn. Ngay cạnh khu vực Ao Xanh, hợp tác xã Đại Sơn đã xây dựng làm nhà xưởng, trong quá trình có khiếu kiện giữa UBND xã với 10 hộ dân về khu vực đất có liên quan, Hợp tác xã đã tự ý trao đổi đất đai giữa một số hộ dân khác mà những hộ đó không có giấy chứng nhận sử dụng đất. Nghiêm trọng hơn, là ông Lự Kim Vy – Chủ tịch UBND xã, ông Nông Đinh Đoạn – Phó Chủ tịch xã vẫn xác nhận giấy đổi đất. Ngày 07/4/2020, Hợp tác xã Đại Sơn bị xử phạt vi phạm hành chính 40.000.000đ về lĩnh vực đất đai khi làm biến dạng địa hình, tự ý san lấp 1500m2 đã đổi được ở trên. Trong quyết định xử phạt yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu, đến nay hợp tác xã vẫn chây ì, chưa thực hiện. 

 

Theo phiếu thu thập thông tin với những người cao tuổi biết rõ nguồn gốc đất do UBND xã tổng hợp, thì thông tin 10 hộ dân đưa ra là đúng. Thời điểm trước tháng 8/2007, UBND xã Vĩnh Lạc không có bất cứ một tài liệu nào được lưu trữ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai. Từ tháng 8/2007 đến tháng 5/2013, UBND xã thành lập Ban chỉ đạo công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, theo đó các thôn tổ chức họp và trong nội dung biên bản nêu chung chung, không rõ ràng cụ thể là: Các ý kiến tham gia: Đất khai hoang có trả công cho người khai hoang? Có được cấp sổ đỏ không? Ruộng lấn chiếm có bị xử phạt không? Tất cả các ý kiến và câu hỏi của người dân đã được đồng chí Hoàng Văn Tông – cán bộ địa chính xã trả lời đầy đủ và chi tiết để bà con thôn hiểu”. Việc công chức cán bộ địa chính xã trả lời dân tại cuộc họp thôn thế nào, nội dung gì thì trong biên bản không ghi (tất cả 11/11 thôn các biên bản không ghi rõ ràng nội dung, đặc biệt có nội dung phần đầu đánh máy giống nhau, phần cuối ý kiến nhân dân thì viết tay nhưng nội dung đều giống nhau).

Người dân cho biết thêm, khoảng gần 100 hộ ở đây và thậm chí cả trụ sở UBND xã Vĩnh Lạc đều nằm dưới cốt 62m của hồ thủy điện Thác Bà. Theo đó, không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để xây dựng nhà cửa, trụ sở. Nếu phải di chuyển thì 10 hộ dân đồng ý di chuyển với điều kiện UBND xã, Hợp tác xã Đại Sơn và các hộ dân còn lại đồng loạt di chuyển.

Tìm hiểu của phóng viên được biết, trước khi UBND xã đạt nông thôn mới năm 2018 (đón nhận bằng nông thôn mới ngày 27/2/2019), chủ trương của tỉnh và của huyện là xây dựng trụ sở UBND mới, nên đã xây dựng năm 2017 và di dời về trụ sở mới tại thôn Trung Tâm, vị trí xây này được đánh giá là dưới cốt 62m của hồ thủy điện Thác Bà.

 

Ngày 21/7/2020, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, UBND huyện Lục Yên và các cơ quan đơn vị liên quan để xem xét, giải quyết vướng mắc trong việc lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án của Hợp tác xã Đại Sơn và việc xây dựng trái phép của người dân tại thôn Trung Tâm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên. Ngày sau đó, ngày 23/7/2020, UBND tỉnh ra văn bản số 2091/UBND-TCD về việc giao xem xét, giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án đầu tư xây dựng của Hợp tác xã Đại Sơn, trong đó có nêu: “Tạm dừng việc thu hồi đất theo Quyết định số 656/UBND và thông báo số 38/TB-UBND ngày 17/4/2019 của UBND tỉnh”. 

Việc không xem xét những đề xuất tham mưu trước khi ra đưa ra văn bản, sau đó phải tạm dừng, ảnh hưởng đến môi trường sống và đảo lộn sinh hoạt của người dân, có thể thấy rằng bộ phận tham mưu đang có những vấn đề quan lieu, buông lỏng quản lý.

Hơn nữa, trong ngày 30/7/2020, tại cuộc họp xem xét về điều chỉnh cục bộ mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa công trình Thủy điện Thác Bà và Dự thảo Quyết định ban hành Quy chế quản lý vùng hồ Thác Bà, chủ trì là ông Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thời điểm đó (hiện tại là Bí thư tỉnh ủy Yên Bái); Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị điều chỉnh hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa, đề nghị UBND tỉnh xem xét phê duyệt điều chỉnh mốc giới đối với những khu vực, vị trí tại cốt 59,65m. Ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Đây là việc làm cấp bách, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, thống nhất điều chỉnh lại một số mốc giới theo cao trình 59,65m.

Việc giao đất cho HTX Đại Sơn và việc xây dựng UBND xã có phù hợp với quy định hiện hành?

Ngày 24/5/2021, Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lự Kim Vy, ông cho biết: “Mặc dù trước năm 2013 không có giấy tờ chứng minh khu vực Ao Xanh là của UBND xã quản lý, dân thì cho rằng đất là của dân, tại đây đang có tranh chấp, nhưng các hộ dân cố tình cho xây dựng là sai. Xử lý ngay thì cũng được, nhưng cứ để cho dân có thời gian suy nghĩ, chứ không thể không xử lý. Khu vực đó trước kia được cho các hộ dân sử dụng để thả cá. Và chủ trương là tỉnh sẽ điều chỉnh vị trí cốt đi xuống. Khi đó mới có cơ sở làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các hộ phù hợp”. 

Ngày 25/5/2021, chúng tôi đã liên hệ ông Đinh Khắc Yên – Chủ tịch UBND huyện Lục Yên và ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện để được nắm rõ thông tin, nhưng tại cuộc tiếp xúc chúng tôi không được cung cấp, bất kì tài liệu nào liên quan.

Thiết nghĩ, nếu có sai phạm thì cần sửa chữa, xử lý, lấy tinh thần phê bình và tự phê bình để rút kinh nghiệm, tránh những tiền lệ không đáng có; chứ nhất định không được “Mất bò mới lo làm chuồng”. Hay nói rõ hơn, liệu đây có phải là một cách hợp thức hóa sai phạm. Có hay không việc chính quyền nơi đây đang tìm cách để biến lớn thành nhỏ, biến nhỏ thành không có gì, để các việc làm và quyết định của chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái hoàn toàn đúng? Qua đó, Hợp tác xã Đại Sơn cùng chính quyền địa phương được “hưởng lợi”, còn người dân sẽ lại chính là những nạn nhân phải “gánh” cái sai từ việc thiếu trách nhiệm và buông lỏng công tác quản lý của chính quyền? Câu trả lời xin được dành gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Văn bản số 71/UBND-TNMT ngày 15 tháng 7 năm 2019 của UBND huyện Lục Yên về việc trả lời đề nghị của công dân xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên có nêu: Việc thu hồi đất tại đây phù hợp với khoản 3, điều 62 Luật Đất đai 2013 vì thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt quy hoạch trong kế hoạch sử dụng đất năm 2019 và được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 02 tháng 8 năm 2018”

Khoản 3, điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định: Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:

a) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;

b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;

c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

đ) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.

Căn cứ vào Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 17/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Kế hoạch thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Văn phòng, khu trưng bày sản phẩm và nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại thôn Trung Tâm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Căn cứ vào Thông báo số 38/TB-UBND ngày 17/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái vveef việc Thông báo thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Văn phòng, khu trưng bày sản phẩm và nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại thôn Trung Tâm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. 

Vậy việc thu hồi đất của người dân tại xã Vĩnh Lạc để triển khai Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Văn phòng, khu trưng bày sản phẩm và nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại thôn Trung Tâm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là CHƯA PHÙ HỢP theo khoản 3, điều 62 Luật Đất đai 2013.

Thế Hiển