Trong thống kê số vụ ly hôn đã xét xử năm 2023 của Tổng cục Thống kê, cả nước ghi nhận 32.060 vụ ly hôn, tăng mạnh so với con số 22.762 vụ của năm 2020.
Trong đó, địa phương có số vụ ly hôn ít nhất là Bắc Kạn với 55 vụ, thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành như TPHCM (1.816 vụ), Cà Mau (1.309 vụ), Tiền Giang (1.262 vụ), Nghệ An (1.227 vụ)...
Trao đổi với phóng viên Lao Động, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia phân viện TPHCM, chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM - cho rằng, 2 yếu tố quan trọng tác động đến tỉ lệ ly hôn là văn hóa và kinh tế.
So sánh sự chênh lệch giữa TPHCM - thành phố có tỉ lệ ly hôn cao nhất - với Bắc Kạn, TS Phạm Thị Thúy đánh giá: "Ở các vùng kinh tế trọng điểm như TPHCM, lượng di dân cao, yếu tố kinh tế tác động rất lớn đến hôn nhân.
Sự xa cách về địa lý giữa vợ chồng, con cái, những khó khăn trong việc nuôi dạy con cái, cùng với nguy cơ ngoại tình gia tăng đã góp phần khiến hôn nhân dễ đổ vỡ hơn.
Về văn hóa, ở các vùng miền núi phía Bắc, đời sống của người dân có tính cộng đồng cao, tỉ lệ dân nhập cư thấp, văn hóa ít thay đổi. Vì vậy, họ không dễ dàng ly hôn. Sự khác biệt trong kinh tế, văn hóa khiến tỉ lệ ly hôn ở mỗi địa phương khác nhau".
Do sự khác biệt về văn hóa và đặc thù riêng của từng địa phương, chuyên gia khẳng định các chính sách về hôn nhân cho từng vùng cũng cần tùy theo tính chất bản địa.
Áp lực kinh tế và những biến động về văn hóa tác động đến tỉ lệ ly hôn, dẫn đến những địa phương áp lực kinh tế ít hơn, biến động văn hóa ít hơn, người dân có thể duy trì lối sống truyền thống, có quan điểm khác nhau về hôn nhân.
Để hạn chế quyết định đi đến ly hôn, bà Phạm Thị Thúy đề xuất các giải pháp như trang bị kỹ năng làm vợ, làm chồng cho giới trẻ; nâng cao nhận thức về giá trị hôn nhân và gia đình.
Đặc biệt, cần có các chính sách hỗ trợ kinh tế (về nhà ở, học tập, y tế) cho các cặp đôi trẻ, nhất là người đang có con nhỏ; tăng cường công tác tư vấn hôn nhân, hóa giải mâu thuẫn, vun đắp cho sự bền vững của gia đình.
Những con số chênh lệch rõ rệt về tỉ lệ ly hôn giữa các tỉnh thành cho thấy những thực trạng khác nhau. Tuy nhiên, TS Phạm Thị Thúy chỉ ra không nên bàn tốt xấu khi thấy tỉ lệ ly hôn cao hay thấp.
"Ly hôn có mặt tích cực là giúp các cặp đôi, con cái có cuộc sống tốt hơn. Nếu hôn nhân không hạnh phúc mà hai vợ chồng vẫn duy trì, tạo vỏ bọc hạnh phúc, sẽ tạo ra môi trường độc hại cho con trẻ. Một cuộc hôn nhân lành mạnh không có gì xấu.
Nếu còn tìm được cách để hòa hợp và sống chung, vợ chồng nên cùng giải quyết mâu thuẫn để gìn giữ hôn nhân. Nếu hôn nhân không còn sự tôn trọng và yêu thương, con trẻ sẽ là người bị ảnh hưởng, thậm chí có tâm lý bất ổn", chuyên gia chia sẻ.
Thực tế, thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%. Tất cả những khủng hoảng kể trên đều dẫn đến kết cục ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết.