
Tàn tích loạt dự án ôtô giữa lòng Thái Nguyên. Ảnh: Đặng Vũ.
Nhà máy ôtô thành xưởng gỗ
Từng là biểu tượng cho kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp ôtô nội địa, loạt dự án nhà máy Vinaxuki và Tralas tại tỉnh Thái Nguyên (trước đây thuộc địa bàn TP Phổ Yên và TP Bắc Kạn) dù triển khai nhiều năm nhưng không thể đưa vào khai thác hiệu quả.
Sau hơn một thập kỷ nằm chờ, cả hai công trình quy mô lớn rơi vào trạng thái dang dở, ngổn ngang, gây lãng phí nguồn lực đầu tư và tài nguyên đất.

Dự án ôtô Tralas nay thành xưởng gỗ. Ảnh: Đặng Vũ.
Dự án Nhà máy ôtô Tralas được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 6.2010, đặt tại phường Bắc Kạn, tỉnh Thái Nguyên (trước là phường Xuất Hóa, TP Bắc Kạn).
Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sản xuất và Chế tạo ôtô Tracimexco (Công ty Tracimexco) với tổng vốn đăng ký 42 tỉ đồng, công suất dự kiến 6.000 xe tải mỗi năm.
Thời điểm khởi công, đây là một trong những dự án được kỳ vọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng hai năm, dự án này đã chuyển hướng.


Các phân xưởng lắp ráp ôtô còn sót lại. Ảnh: Đặng Vũ.
Từ năm 2012, chủ đầu tư xin bổ sung ngành nghề chế biến lâm sản, lắp đặt dây chuyền sản xuất đũa gỗ và gỗ xẻ xuất khẩu.
Hoạt động chế biến gỗ kéo dài không lâu và liên tục báo lỗ. Đến cuối năm 2017, toàn bộ dây chuyền đũa gỗ dừng hoạt động, chỉ còn những xưởng gỗ tồn tại đến nay.
Ghi nhận của PV Báo Lao Động thời điểm tháng 7.2025, bên trong khu nhà máy ôtô Tralas không có bất kỳ dây chuyền sản xuất hay thiết bị lắp ráp ôtô nào được lắp đặt.
Thay vào đó là những xưởng chế biến gỗ đơn giản mọc lên giữa nền móng bỏ dở của một tổ hợp công nghiệp dang dở.

Ván gỗ bóc thương phẩm phơi kín sân nhà máy. Ảnh: Đặng Vũ.
Cuối tháng 8.2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn (trước sáp nhập) cho biết UBND tỉnh đã làm việc với chủ đầu tư và giao Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tham mưu thu hồi đất, tuy nhiên vẫn chưa thể triển khai.
Vướng đền bù, dự án đình trệ
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Dự án Vinaxuki Thái Nguyên, đặt tại phường Trung Thành (trước là phường Thuận Thành, TP Phổ Yên, Thái Nguyên).
Đây là một trong những dự án ôtô có quy mô lớn bậc nhất tại miền Bắc, do Công ty TNHH MTV Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Vinaxuki Thái Nguyên) làm chủ đầu tư, diện tích 26,7ha, tổng vốn hơn 130 tỉ đồng.

Dự án ôtô Vinaxuki tại Thái Nguyên nằm bất động sau nhiều năm triển khai. Ảnh: Đặng Vũ.
Vinaxuki Thái Nguyên được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 4.2008. Thời gian đầu, dự án triển khai thuận lợi, với hơn 330 hộ dân bị thu hồi đất để bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, gần 20ha mặt bằng gặp vướng mắc do thời điểm chuyển tiếp giữa hai chính sách đền bù đất đai. Phát sinh chênh lệch khoảng 18 tỉ đồng.
Các hộ dân khi đó bàn giao mặt bằng theo phương án đền bù tạm thời, phần chênh lệch 18 tỉ đồng được cam kết chi trả sau. Tuy nhiên, do số tiền này chưa được thanh toán, dự án không thể tiếp tục triển khai.
Sau nhiều năm nằm bất động, năm 2019, tỉnh Thái Nguyên đã gia hạn thêm một năm để đơn vị khắc phục tồn tại. Nhưng hết thời hạn, dự án vẫn không thể triển khai.
Đến cuối tháng 6.2021, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên có văn bản số 1258 thông báo chấm dứt hoạt động dự án.


Bên trong nhà máy hoang tàn, đổ nát. Ảnh: Đặng Vũ.
Thời điểm PV ghi nhận, khu nhà xưởng hiện vẫn bất động, khung thép han gỉ, cửa đóng then cài. Đất bị bỏ không, hạ tầng xuống cấp, thiết bị không sử dụng, gây lãng phí.
Trước đó, ông Nguyễn Trọng Đàm - Chủ tịch UBND phường Thuận Thành (nay là phường Trung Thành) xác nhận, Dự án Vinaxuki Thái Nguyên đã bị thu hồi do vướng mắc kéo dài và hiện chưa bàn giao cho bất kỳ đơn vị nào tiếp quản, sử dụng lại diện tích đất đã cấp.
Hơn một thập kỷ sau khởi công, dự án ôtô Vinaxuki và Tralas là những công trình từng được kỳ vọng hình thành nền tảng công nghiệp ôtô giờ lâm cảnh hoang hóa và chưa có phương án xử lý gây lãng phí nguồn lực đầu tư, tài nguyên đất.