Sống trong khu tái định cư cao tốc, người dân bất an

27/03/2025 09:13

Một số khu tái định cư tại Tuyên Quang, Hà Giang xây dựng trên địa chất thiếu ổn định, hoặc cạnh mỏ khai thác khoáng sản khiến người dân sống trong bất an.

Sống trong khu tái định cư cao tốc, người dân bất an

Hạ tầng dang dở, địa chất thiếu ổn định tại một số khu TĐC cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang khiến người dân lo lắng. Ảnh: Việt Bắc.

Khu tái định cư sát vách mỏ đá

Giữa tháng 3.2025, tại khu tái định cư (TĐC) An Tiến, xã Hùng An, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã có trên 20 hộ dân xây dựng nhà và chuyển về sinh sống. Khu TĐC này được xây dựng cho 37 hộ dân trên địa bàn xã Hùng An có đất bị thu hồi để thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

So với nơi ở cũ, hạ tầng điện, nước, đường giao thông tại nơi TĐC được xây dựng đồng bộ đã giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do khu TĐC này nằm ngay cạnh mỏ khai thác đá của Công ty TNHH Phương Đông nên nhiều người vẫn rất bất an.

Khu tái định cư cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (đoạn qua xã Hùng An, Bắc Quang, Hà Giang) được xây dựng ngay cạnh mỏ đá khiến người dân bất an. Ảnh: Việt Bắc. Khu tái định cư cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (đoạn qua xã Hùng An, Bắc Quang, Hà Giang) được xây dựng ngay cạnh mỏ đá khiến người dân bất an. Ảnh: Việt Bắc.

Là hộ dân nằm sát vách mỏ đá, anh Võ Quốc Khánh cho biết, khoảng cách giữa nhà và cổng mỏ chưa đầy 100m. Việc khu TĐC nằm sát mỏ đá kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường.

"Hàng ngày cả trăm lượt xe tải nặng quần thảo khiến đường sá hư hỏng, mất an toàn giao thông. Mỏ đá nổ mìn gây rung chấn, bụi mịt mù, nhà cửa ai nấy cũng phải đóng kín, không khí ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe”, anh Khánh cho hay.

Gần đó, gia đình ông Nguyễn Công Đoàn chuyển về khu TĐC sinh sống từ tháng 6.2024, căn nhà mới đã gần hoàn thiện nhưng nỗi lo lắng, bất an thì cứ lớn dần.

Theo người dân khu TĐC, những vết nứt xuất hiện trên những ngôi nhà cả cũ và mới xây có nguyên nhân từ hoạt động của mỏ đá Công ty TNHH Phương Đông. Ảnh: Việt Bắc. Theo người dân khu TĐC An Tiến, những vết nứt xuất hiện trên những ngôi nhà cả cũ và mới xây có nguyên nhân từ hoạt động của mỏ đá Công ty TNHH Phương Đông. Ảnh: Việt Bắc.

Theo ông Đoàn, khu TĐC quá gần mỏ đá, nhiều nhà vừa xây đã xuất hiện hàng loạt vết nứt.

"Tôi cũng không hiểu vì sao tái định cư lại quy hoạch ngay sát mỏ đá. Người dân bàn giao hết đất nên đành phải chấp nhận ra đây sinh sống. Chứ sống ở đây vừa nguy hiểm, ô nhiễm môi trường do nổ mìn, vận chuyển đá”, ông Đoàn bức xúc.

Đoàn xe tải nặng từ mỏ đá hoạt động mỗi ngày khiến cuộc sống người dân khu TĐC xáo trộn. Ảnh: Việt Bắc. Đoàn xe tải nặng từ mỏ đá hoạt động mỗi ngày khiến cuộc sống người dân khu TĐC xáo trộn. Ảnh: Việt Bắc.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một lãnh đạo UBND xã Hùng An cho biết, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về ảnh hưởng trong quá trình hoạt động mỏ đá tới cuộc sống, môi trường và đã yêu cầu chủ mỏ khắc phục.

Sống trong bất an

Đã gần 4 tháng nay, những ngôi nhà xây dở dang vẫn bất động trong khu TĐC thôn Bưu Nghiệu, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Nguyên nhân do xuất hiện sụt lún bất thường tại phần đất của 1 hộ dân trong quá trình xây dựng nhà ở.

Ghi nhận của PV thời điểm cuối tháng 3.2025, mọi hoạt động xây dựng trong khu TĐC này đã tạm dừng. Vị trí sụt lún bất thường thuộc lô đất của hộ ông Lý Tiến Dũng đã được quây kín bạt và chăng dây cảnh báo.

Tình trạng sụt lún bất thường tại khu TĐC Bưa Nghiệu khiến các hộ dân lo lắng. Ảnh: Việt Bắc. Tình trạng sụt lún bất thường tại khu TĐC Bưa Nghiệu khiến các hộ dân lo lắng. Ảnh: Việt Bắc.

Tình trạng sụt lún xuất hiện cả trong và ngoài khu nhà. Theo người dân địa phương, các hố sụt xuất hiện từ trưa 12.12.2024 với diện tích khoảng 6m2, độ sâu 3,5m, cùng vết chạy dọc theo móng bê tông dài 4m.

Bà Lương Thị Ương, hộ dân đang sống tại khu TĐC cho biết: "Những người dân ở trong khu này lo lắm, đến nay vẫn chưa thấy có kết luận gì. Một số gia đình mới bắc dàn giáo xây nhà nhưng thấy sụt lún thế thì tháo dỡ, đi chỗ khác hết rồi".

Theo tìm hiểu của PV, khu dân cư - TĐC thôn Bưa Nghiệu được quy hoạch 48 lô đất. Đến nay chỉ có 2 hộ gia đình thuộc diện TĐC cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang chuyển về sinh sống. Hạ tầng chưa hoàn thiện, người dân tự phải kéo điện, khoan giếng để có nước sinh hoạt.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thái - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực huyện Hàm Yên (đại diện chủ đầu tư các khu TĐC cao tốc huyện Hàm Yên) cho biết, ngay khi phát hiện sụt lún, cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra và yêu cầu mời Viện Địa chất tới khảo sát, đánh giá.

"Hiện đang chờ đủ thời gian để công bố kết quả, vì liên quan tính mạng con người nên cần làm kỹ lưỡng. Sau khi xác định được nguyên nhân cụ thể, nếu vẫn ở được thì cho người dân tiếp tục xây nhà, nếu không ở được thì sẽ tìm một khu vực khác để người dân ổn định cuộc sống", ông Thái cho hay.

Cũng theo ông Thái, nguyên nhân chính xác thì vẫn đang đợi cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, nhận định ban đầu có thể do người dân khoan giếng dẫn tới địa chất khu vực bị ảnh hưởng, nhưng đó cũng chỉ là cảm tính.

Khi được hỏi thời điểm tiến hành xây dựng các khu TĐC, chủ đầu tư có nghiên cứu, đánh giá địa chất ban đầu, ông Thái cho biết: "Theo quy định, các điểm dân cư nông thôn với nhà ở xây dựng dưới 3 tầng thì không bắt buộc phải có đánh giá địa chất ban đầu".

Việt Bắc
Bạn đang đọc bài viết "Sống trong khu tái định cư cao tốc, người dân bất an" tại chuyên mục Đời sống.