Săn mây ở Tà Xùa

12/11/2022 07:41

Nằm ở độ cao khoảng 1.500m - 1.700m so với mặt nước biển, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, là nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.

Những năm gần đây, Tà Xùa đã trở thành điểm đến không thể thiếu trên cung đường khám phá du lịch Tây Bắc của du khách.

 

Thiên đường mây Tà Xùa. Ảnh: Đặng Văn Tú

Thiên đường mây Tà Xùa. Ảnh: Đặng Văn Tú

Cách thị trấn Bắc Yên khoảng 14km, Tà Xùa được du khách biết đến với những cung đường nhiều dốc cao và những cua tay áo khá nguy hiểm, nhưng chính điều này lại tạo sức hấp dẫn đặc biệt đối với những du khách ưa thích săn mây.

Từ khoảng tháng 4 đến tháng 10 trong năm là thời điểm Tà Xùa hội tụ đầy đủ các yếu tố lý tưởng về độ ẩm, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, nhiều nắng ấm và sương mù giăng lối để du khách chuẩn bị cho chuyến săn mây đẹp nhất.

Thời điểm này, khi đến với Tà Xùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những dòng thác mây cuồn cuộn bao lấy những dãy núi cao hùng vĩ chạy dọc chân trời và đổ xuống biển mây trắng bồng bềnh dưới thung lũng, phủ trên những nếp nhà đơn sơ nép dưới tán mận, tán đào xanh mướt.

 

Tuổi thơ. Ảnh: Nguyễn Văn Duy

Tuổi thơ. Ảnh: Nguyễn Văn Duy

Theo kinh nghiệm của người dân bản địa và các phượt thủ, để có được những bức ảnh săn mây lý tưởng nhất, du khách nên chọn đi vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, đây là hai khung thời gian hợp lý nhất để đắm mình trong chốn bồng lai tiên cảnh của thiên đường mây Tà Xùa. Đây cũng là khoảng thời gian mà du khách có thể cùng với người thân yêu, bạn bè quây quần bên nhau cùng thưởng thức hương vị ấm nồng của chè Tà Xùa - đặc sản nổi tiếng của đồng bào dân tộc Mông và đắm mình trong bầu không khí mát mẻ, trong lành mà thiên nhiên ban tặng.

Ngoài những điểm săn mây như thung lũng mây ngay tại trung tâm xã Tà Xùa, lũng mây Đỉnh Gió và cây “Táo mèo cô đơn”, lũng mây khu Mống Vàng bản Tà Xùa..., du khách còn có thể lựa chọn một điểm săn mây không thể thiếu trong hành trình đến với Tà Xùa đó là Sống Lưng Khủng Long Háng Đồng. Đây là một đoạn đường đất dài gần 2km nằm trên đỉnh núi cao hơn 2.000m so với mực nước biển thuộc dãy Tà Xùa hùng vĩ với đặc trưng là đầu rùa và sống lưng khủng long nằm phủ phục tạo nên ranh giới tự nhiên giữa Sơn La và Yên Bái. Tại đây, du khách được nếm trải cảm giác vô cùng mạo hiểm khi di chuyển trên con đường mòn mà hai bên là vách núi thẳng đứng có nhiều đoạn chiều rộng nhất chỉ vừa đủ cho bánh một chiếc xe máy. Nhưng đi đến điểm cuối của sống lưng khủng long, du khách như vỡ òa khi được ngắm nhìn những ngọn núi cao trùng trùng điệp điệp, những thửa ruộng bậc thang ẩn hiện giữa thiên đường mây bồng bềnh kỳ ảo.

 

Lên đỉnh Tà Xùa ngắm thiên đường mây. Ảnh: Phạm Doãn Quang

Lên đỉnh Tà Xùa ngắm thiên đường mây. Ảnh: Phạm Doãn Quang

Nhưng Tà Xùa không chỉ có đặc sản “săn mây”. Nơi đây còn có những đồi chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Một trong những rừng chè cổ thụ tự nhiên được nhắc đến nhiều nhất trong hành trình khám phá Tà Xùa của du khách đó chính là rừng chè cổ ở bản Bẹ, xã Tà Xùa. Đây là rừng chè tự nhiên với hơn 200 gốc chè cổ thụ có tuổi đời hơn 300 năm, nhiều thân chè bám bám đầy địa y, tầm gửi, rêu phong và là nguồn nguyên liệu quý giá để làm nên thương hiệu chè Tà Xùa trứ danh của đồng bào dân tộc Mông Tà Xùa. Đến với bản Bẹ, ngoài khám phá rừng chè cổ thụ tự nhiên, du khách có thể tìm hiểu quy trình thu hái, sao chè thủ công của bà con dân tộc Mông và thưởng thức, lựa chọn các sản phẩm chè để làm quà tặng cho người thân.

Trong hành trình săn mây tại Tà Xùa, để chuyến đi có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, du khách có thể lựa chọn khám phá thêm một số điểm đến hấp dẫn khác như ruộng bậc thang (xã Xím Vàng), bãi đá khắc cổ Khe Hổ (xã Hang Chú), hồ sen (xã Hua Nhàn), đồi thông Pu Nhi và đặc biệt là điểm đến hang A Phủ gắn liền với câu chuyện tình của vợ chồng A Phủ trong tác phẩm văn học nổi tiếng “Vợ chồng A Phủ” của Nhà văn Tô Hoài. Đây là nơi vợ chồng A Phủ dừng chân trú ẩn trong hành trình trốn tránh sự truy lùng của bọn tay sai nhà thống lý Pá Tra, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đi theo ánh sáng của Đảng đến với khu du kích Phiềng Sa, tham gia phong trào cách mạng giải phóng quê hương.

 

Hoa lau trên đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Nguyễn Thế Bình

Hoa lau trên đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Nguyễn Thế Bình

Hang A Phủ là hang đá tự nhiên nằm trên dãy núi U Bò thuộc Bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài còn được gọi là hang Thẳm Cốp (theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là hang Ếch bởi phía Đông của hang giống như miệng một con ếch đang đớp mồi). Hang thuộc Quần thể di tích cách mạng 99 với chiều dài khoảng 200m được chia thành 3 khoang và gồm 2 cửa, nằm ở 2 phía Đông, Tây nối thông nhau. Từ cửa phía Tây cao 2m, rộng 1,5m, du khách phải di chuyển thận trọng qua từng phiến đá theo lối vào hang nhỏ, hẹp, ít ánh sáng. Càng đi sâu, lòng hang càng mở rộng, trần hang cao trung bình từ 20 - 40m, rộng 15 - 30m với nhiều nhũ đá hình dạng khác nhau, đem lại cảm giác kỳ ảo dưới ánh đèn pin chiếu rọi. Khoang thứ 2 và 3 còn có nhiều ngách hẹp chạy dọc theo vách hang, sâu trung bình 10 - 15m, sức chứa 30 - 40 người. Đi hết khoang 3 là đến cửa phía Đông hình bầu dục, cao khoảng 50 - 60m, rộng 20m, giữa cửa hang phình ra rộng 30m để du khách thu vào tầm mắt màu xanh ngút ngát của rừng nguyên sinh bao phủ và nương rẫy của bà con trải dài trước cửa hang.

 

Sắc thu Xím Vàng. Ảnh: Nguyễn Văn Duy

Sắc thu Xím Vàng. Ảnh: Nguyễn Văn Duy

Cách hang A Phủ khoảng 20m về phía Nam, du khách ưa mạo hiểm có thể khám phá hang nước với cửa hang nằm sâu dưới lòng đất khoảng 5m, đường xuống hang dốc, chia làm nhiều tầng, Hang có độ rộng khoảng 7m, độ cao trần hang trung bình 10 - 12m, chỗ thấp nhất chỉ cao 4 - 5m, dưới nền hang có một dòng suối chảy dọc theo hang từ Tây sang Đông, nước mát lạnh.

Đến quê hương A Phủ vào mùa sơn tra, du khách còn được đắm mình trong hương táo quyến rũ, tham gia phiên chợ vùng cao để ngắm nhìn những bộ trang phục rực rỡ của đồng bào dân tộc Mông và thưởng thức các món ăn truyền thống với chén rượu Hang Chú cay nồng…

Diệp Anh
Bạn đang đọc bài viết "Săn mây ở Tà Xùa" tại chuyên mục Tây bắc xanh.