Lai Châu được biết đến là vùng đất với những đỉnh núi đẹp hùng vĩ của nước ta. Du lịch Lai Châu bạn sẽ có cơ hội khám phá những đỉnh, đèo nổi tiếng của nước ta.
SÌN HỒ
Sìn Hồ là một huyện vùng cao nằm giữa tỉnh Lai Châu, có huyện lỵ là thị trấn Sìn Hồ. Đây là nơi sinh sống của khoảng 56.000 cư dân đến từ 15 dân tộc khác nhau cùng chung sống trên diện tích 1.746km².
Ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, cao nguyên Sìn Hồ được ví như nóc nhà của tỉnh Lai Châu. Nơi đây khí hậu khá giống với thị trấn Sapa, quanh năm mát mẻ tạo điều kiện cho nhiều giống hoa, quả ôn đới như mận, đào, lê… phát triển.
Theo tiếng bản địa, “Sìn Hồ” có nghĩa là nơi tập trung nhiều con suối. Cao nguyên Sìn Hồ nằm giữa trập trùng núi đá, bạt ngàn giữa rừng nguyên sinh, giữa biển mây mù, nơi đây với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi…
BẠCH MỘC LƯƠNG TỬ
Dãy núi Bạch Mộc Lương Tử (hay còn gọi là Ky Quan San) là một một trong 5 ngọn núi cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Tuy không phải là đỉnh núi cao nhất nhưng chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử được xem là một thách thức nhưng cũng đầy hấp dẫn đối với những ai đam mê leo núi vì phần thưởng dành cho họ khi chinh phục được đỉnh núi có cảnh quan đẹp nhất chính là quang cảnh vô cùng hùng vĩ.
THÁC TÁC TÌNH
Thác Tác Tình chính là một cảnh đẹp Lai Châu mà vùng đất này may mắn được tạo hoá trao tặng. Dòng thác gắn liền với đời sống vật chất cũng như văn hoá bản địa thường ngày của đồng bào người Dao sinh sống tại đây. Theo tiếng Dao thì “tác” có nghĩa là nước từ trên cao đổ xuống, “tình” có nghĩa là nước từ trên thác đổ xuống tạo thành một vũng nước trên mặt đất.
Tác Tình không chỉ đơn giản là tên một con thác mà còn là một truyền thuyết, một bản tình ca về một đôi trai gái yêu nhau. Người đời thuật lại rằng, xưa kia tại một bản người dân tộc Dao dưới chân thác có một nàng Lở Lan xinh đẹp, vẻ đẹp của nàng được ví như những đoá Lan rừng – đẹp và ngào ngạt hương thơm.
Nàng đem lòng yêu một chàng trai trong bản, cả hai thương yêu và quấn quýt như con hươu, con nai trên rừng bên nhau sớm tối. Nhưng hạnh phúc không được bao lâu thì tai hoạ đã ập xuống đầu hai người, tình yêu của họ đã gặp muôn vàn trắc trở, trông gai vì bị kẻ gian âm mưu hãm hại chia cách, không thể nên duyên chồng vợ.
Để giữ trọn tình yêu thuỷ chung của mình và lời thề ước giữa hai người, nàng Lở Lan đã gieo mình xuồng dòng thác. Cảm phục trước hành động của cô gái trẻ, người dân nơi đây đã đặt tên cho ngọn thác là thác Tác Tình để tưởng nhớ đến cô cùng với mong ước tác hợp cho chuyện tình của hai người.
ĐỒI CHÈ TÂN UYÊN
Nằm cách trung tâm thị trấn Tân Uyên không xa, đồi chè Tân Uyên hiện là điểm đến yêu thích của nhiều người khi đến với Lai Châu, cụ thể là Tân Uyên. Với quy mô gần 2000 ha, đồi chè 40 – 50 năm tuổi này sở hữu cảnh vật và thiên nhiên vô cùng trong lành.
Chè cũng là một trong những cây kinh tế chính của thị trấn này với các sản phẩm chè nổi tiếng khắp cả nước như chè San Tuyết, Ô Long, Thanh Tâm….
ĐÈO Ô QUY HỒ
Đèo Ô Quy Hồ là điểm ranh giới giữa hai tỉnh miền núi phía Bắc Lào Cai và Lai Châu. Đèo Ô Quy Hồ từ lâu đã nổi tiếng không chỉ vì là vị trí giao thông quan trọng mà còn bởi vẻ đẹp hùng vĩ bậc nhất của nó không chỉ đại diện cho Lai Châu mà còn cho cả vùng Tây Bắc.
Đèo Ô Quy Hồ dài gần 50 km, trong đó 2/3 con đường thuộc địa phận huyện Tam Đường tình Lai Châu, phần còn lại nằm ở phía Sa Pa tỉnh Lào Cai. Tên đèo tương truyền được đặt theo tiếng kêu da diết của một loài chim gắn liền với câu chuyện tình yêu đầy trắc trở của đôi trai gái nọ.
Đứng trên đỉnh đèo ngắm nhìn cảnh đẹp Lai Châu, thiên thiên hùng vĩ của đại ngàn được thu trọn vào tầm nhìn của du khách, khí hậu trong lành mang lại cho ta cảm giác thật dễ chịu.
Đặc biệt, khi đến Ô Quý Hồ vào mùa đông, nếu may mắn ta có thể được chiêm ngưỡng một cảnh tượng hiếm gặp ở Việt Nam đó là những bông tuyết và hiện tượng băng đá. Những giọt nước đọng lại trên những cành cây, bông hoa bị đóng băng tạo nên hình ảnh thật đẹp và độc đáo.
Ở nơi cao hơn, ta có thể thấy được trên nền đất màu trắng xóa của những bông tuyết và bắt gặp hình ảnh của những đứa trẻ, các cặp tình nhân đang thích thú nô đùa cùng nhau và quên đi cái giá rét khắc nhiệt của thời tiết.
BẢN PÚ ĐAO
Pú Đao là một điểm đến vẫn còn khá hoang sơ và hẻo lánh đối với nhiều người. Tuy vậy, nó lại lọt top một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á đối với khách du lịch nước ngoài.
Dù địa thế xa xôi, hẻo lánh nhưng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết, Bản Pú Đao lại là điểm đến phù hợp cho những ai đam mê khám phá những vùng đất mới.
Pú Đao theo tiếng H’Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”, nằm chót vót trên núi cao, vắt ngang mình trên những con đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở.
Để đến được Pú Đao, phải đi qua cầu Lai Hà bắc ngang một phụ lưu của sông Đà. Từ đây bạn sẽ thấy bên kia bờ là những ngôi nhà sàn người Thái ẩn mình dưới hàng dừa, khói bốc lên từ mái nhà, len lỏi qua các tán lá và tản mát vào làn sương mờ ảo.
Khi chinh phục được “điểm cao nhất” ở Lai Châu, bạn có thể biết rằng, bản thân đang đứng ở vị trí ngắm sông Đà đẹp nhất. Từ đây, bạn còn nhìn thấy những thung lũng ngoạn mục phía dưới, là nơi giao cắt giữa sông Đà và sông Nậm Na với bãi bồi xanh ngát.
Nhìn lại chặng đường đã đi để đến với Bản Pú Đao, bạn sẽ thấy hiện ra trước mắt là những bản làng nằm cheo leo trên đỉnh núi, xuyên giữa là những con đường quanh co, uốn khúc, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.